Đừng để “Chuỗi an toàn” trở thành hình thức

Linh Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phản ánh của nhiều DN, xây dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã khó, việc mở rộng các chuỗi còn khó hơn rất nhiều lần.

Phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả chương trình phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội và Hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2017” do UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao nỗ lực của các sở, ban, ngành, các DN sản xuất, phân phối và 21 tỉnh, thành trong phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Sau gần 3 năm triển khai, các tỉnh, TP trong Ban Điều phối đã xây dựng được 377 chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, chiếm trên 50% số chuỗi trên cả nước; phát triển được 65 chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Xây dựng các chuỗi được đánh giá là thành công, song vẫn còn những trăn trở về phía DN. 

Dây chuyền đóng gói trứng sạch tại Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội.   Ảnh: Thúy Hà

Công ty TNHH Ba Huân đã có gần 50 năm gắn bó trong ngành kinh doanh sản phẩm gia cầm. Với tiêu chí an toàn cho sức khỏe cộng đồng, từ năm 2005, công ty đã chi hàng trăm tỷ đồng nhập dây chuyền thiết bị hàng đầu thế giới của Moba Hà Lan để xử lý trứng gia cầm sạch công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội, đến nay công ty đã hoàn chỉnh chuỗi VSATTP từ trang trại đến bàn ăn với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, với 2 trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao 4 triệu con tại Bình Dương và Long An, 2 nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có tổng công suất trên 300.000 quả trứng/giờ; 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất 70 tấn/ngày tại Bình Dương và Long An. Để có được quả trứng sạch, an toàn phải qua 8 công đoạn xử lý, trong đó công đoạn đặc biệt là chiếu tia UV diệt khuẩn, tránh vi khuẩn xâm nhập vào bên trong quả trứng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa biết xử lý trứng làm gì, làm sạch là thế nào nên thị phần trứng sạch của Ba Huân còn hạn chế.

Cùng chia sẻ với những trăn trở của ông Phạm Thanh Hùng, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, thế mạnh của công ty hiện nay là phân phối được 35 - 40 loại lúa gạo và đặc sản vùng miền. Từ nhiều năm nay, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, Bảo Minh đã đầu tư cho bà con nhiều tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất ra các giống lúa đặc sản chất lượng với mong muốn quy tụ mỗi vùng 3 sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu. Để có được những sản phẩm đủ chất lượng xuất khẩu, tất cả các khâu từ làm đất tới giống, phân bón đều được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Sản phẩm Bảo Minh được đầu tư nhãn mác, bao bì và mã truy xuất nguồn gốc. Hiện, công ty có 2.500 điểm bán trên toàn quốc và ở một số siêu thị lớn như: BigC, Vinmart, AEON… Có tâm, có tầm là vậy nhưng để mở rộng thị phần là cả vấn đề. Công ty mong muốn được kết nối giao thương với các nhà phân phối và người tiêu dùng trên cả nước, được các cơ quan ban ngành, báo chí quan tâm giúp cho sản phẩm Bảo Minh có sức lan tỏa hơn nữa, trở thành thương hiệu bán chạy nhất Việt Nam.

Xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, đầu tư lớn tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng và tổ chức sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nhưng giá bán sản phẩm chỉ ngang với giá thị trường sẽ là bất công với những DN xây dựng chuỗi an toàn. Bên cạnh đó, nếu như người tiêu dùng không thay đổi thói quen tương thích với tiến bộ khoa học kỹ thuật, không tiếp cận tri thức tiêu dùng hiện đại thì khi ấy nguy cơ làm chuỗi an toàn sẽ chỉ là hình thức và mang tính phong trào mà thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần