Đừng để nghệ nhân chạnh lòng

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di sản Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới vì độ dày và độ bao phủ rộng. Những địa điểm, không gian văn hóa như: Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha Kẻ Bàng, thành nhà Hồ, ca trù, quan họ, hát xoan, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… đã đưa di sản của mảnh đất hình chữ S đến với bạn bè quốc tế.

 Nghệ nhân - họa sĩ truyền thần Trần Thịnh số 24 Hàng Ngang. CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội
Bên cạnh những di sản thế giới, hàng nghìn di sản phi vật thể, được các nghệ nhân nắm giữ và truyền nghề nằm khép mình trong mỗi làng quê, đã tạo nên bản sắc riêng của từng vùng đất văn hóa.

Nhưng, cứ đến Ngày di sản Việt Nam (23/11), nhiều nghệ nhân lại chống chếnh vì thiếu danh hiệu, và vì sự vô tình của không ít người. Người đời vẫn tôn vinh nghệ nhân là “báu vật sống” của nhân loại. Không ít những “báu vật sống” đang tự nguyện truyền dạy vốn văn hóa dân tộc cho thế hệ sau, nhưng đổi lại, ngoài đam mê thì các nghệ nhân chưa nhận được sự quan tâm gì sau những cống hiến ấy. Không biết bao nhiêu người, đến lúc nhắm mắt về với tổ tiên vẫn nằm trong căn nhà dột từ cửa dột vào với canh cánh nỗi lo, ai ở lại giữ gìn di sản? Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, có 88 năm gắn với thau đồng, cây đàn để hành nghề và truyền nghề hát xẩm ở xóm chợ, đường làng. Nhưng 96 tuổi, nghệ nhân Hà Thị Cầu nhắm mắt xuôi tay, một đồng chữa bệnh tuổi già cũng phải nương tựa vào các tấm lòng hảo tâm. Danh hiệu nghệ nhân ưu tú càng xa vời. Người làm di sản vẫn nhớ hai hàng nước mắt của nghệ nhân ca trù thôn Chanh (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn không ngừng chảy trong lễ vinh danh danh hiệu nghệ nhân đầu tiên của di sản phi vật thể năm 2016. Hai cụ khóc vì hạnh phúc, vì thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều nghệ nhân khác.

Những tưởng việc vinh danh chỉ khó trong lần đầu. Nhưng rồi đến nay đã hai năm sau lần vinh danh lần 1, 600 hồ sơ đề nghị xét tặng lại được đặt lên bàn Hội đồng các cấp và nhận được sự vô tình của thủ tục hành chính cùng sự thiếu hụt trong chất lượng hội đồng xét duyệt. Xét tặng danh hiệu loại hình đặc thù, nhưng công tác xét tặng luôn đong đếm bằng 90% số phiếu của hội đồng xét tặng, bằng bề dày thành tích của hồ sơ. Trong khi, chẳng còn mấy nghệ nhân nhớ và thông thạo với các thủ tục kê khai thành tích; trong khi hội đồng xét tặng cũng thờ ơ xét di sản trên các bảng kê khai, nên nghệ nhân lại bị bỏ sót. Nghệ nhân ưu tú ẩm thực Ánh Tuyết ấm ức vì trượt danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ẩm thực Mười Xiêm (nổi tiếng với ẩm thực bánh xèo) cũng chẳng có nổi danh hiệu nghệ nhân ưu tú… Quy chế xét tặng nghệ nhân ra đời sau quy chế xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhưng cũng đi vào vết xe đổ của các lần trước. Để rồi, “báu vật sống” của nhân loại có một đời mòn mỏi, một đời hết mình vì di sản cũng chỉ biết trông chờ vào sự hên xui trong mỗi lần xét tặng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần