Đừng để người lao động sốc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn đã được bàn thảo nhiều trong quá trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Ban Chấp hành T.Ư Đảng xem xét, bàn rất kỹ về tuổi nghỉ hưu và đã được thể hiện trong Nghị quyết số 28-NQ/TƯ. Vì thế, trong dự thảo Bộ luật Lao động, Ban soạn thảo quy định mức tăng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ. 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra để lấy ý kiến.
Phương án (PA)1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. PA 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.
Với hai phương án (PA) trên, đến thời điểm này, nhiều ý kiến ủng hộ cho PA1 bởi lộ trình tăng chậm nhưng an toàn hơn so với PA2. Với PA1, lao động nữ sẽ mất 15 năm và nam 8 năm sẽ hoàn chỉnh được tuổi nghỉ hưu là 60 và 62; thị trường lao động có cơ hội điều chỉnh thuận lợi. Nếu thực hiện PA2, thời gian để thực hiện hoàn chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn (6 năm đối với nam để tăng 2 tuổi và 10 năm với nữ để tăng 5 tuổi) nhưng lại gây sốc cho người lao động (NLĐ) và tác động không tốt tới thị trường việc làm. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu chậm để đảm bảo tính bền vững và không gây sốc cho các quan hệ lao động, thị trường lao động.
Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định "quyền nghỉ hưu sớm" không quá 5 năm cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người lao động làm một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Thế nhưng, quy định này không rõ, chung chung nên có những ý kiến băn khoăn từ phía NLĐ và DN trong lĩnh vực giày da, may mặc, điện tử... Về phía NLĐ cũng có quan ngại khi tuổi cao, không biết chủ DN có tiếp tục sử dụng hay không; trong trường hợp thôi việc ra ngoài thì có nơi nào nhận vào làm việc, cuộc sống sẽ lại gặp bấp bênh.
Dù rằng trong dự thảo Bộ luật Lao động đã mở cho NLĐ mất sức lao động thì được "quyền nghỉ hưu sớm" hơn không quá 5 năm, nhưng lại không nói rõ, họ có được hưởng tối đa phần trăm lương hưu. Vì thế, nhiều người lo ngại, trong trường hợp lương hưu lại bị trừ theo số năm khi NLĐ nghỉ sớm, điều này cũng là một thiệt thòi lớn.
Một quan ngại khác, đó là dự thảo Bộ luật Lao động quy định "quyền nghỉ hưu muộn" hơn không quá 5 năm đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. Liệu những người làm lãnh đạo đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng được tiếp tục ở lại có làm mất cơ hội thăng tiến của lao động trẻ?
Dẫu biết rằng, không có giải pháp nào hài lòng với tất cả mọi người, nhưng những người làm luật cũng cần cân nhắc, tính toán lại để chính sách được đưa ra phù hợp với đại đa số NLĐ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần