Đừng để “oan gia ngõ hẹp”

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe đạp điện bất ngờ phi vun vút từ nhà ra đường chính, xe máy lao như bay từ trong ngõ đi ra… gặp vật cản bỗng phải phanh gấp...

Rồi âm thanh hỗn tạp của tiếng hét, tiếng đổ sầm, tiếng xe cấp cứu, trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí nhiều người. Lưu thông trên đường phố đông đúc đã là nỗi lo của tất cả tài xế, nay tại nhiều trục đường chính giao ngõ, ngách cũng nhiều nguy hiểm.
Vì thế, việc nhường đường không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa giao thông, mà còn là một hành động đơn giản nhất của mỗi chủ phương tiện để giảm bớt đi nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm.

“Điểm mù” trong ngõ

Ý thức người tham gia giao thông kém, nhiều bất cập về hạ tầng, tầm nhìn bị che khuất... đang khiến TNGT do các phương tiện lao từ trong ngõ ra tuyến đường chính có chiều hướng gia tăng. Từ lâu, những vụ va chạm trong ngõ, đã được ông cha ta đúc kết thành câu tục ngữ “oan gia ngõ hẹp”. Nước ta, với tập tục sống quây quần theo làng, xóm nên hệ thống giao thông có đặc điểm nhiều ngõ, ngách. Tuy nhiên, ngày xưa lại không gặp quá nhiều nguy hiểm bởi cách di chuyển đi bộ hoặc xe thô sơ. Chỉ đến bây giờ, với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông cơ giới, vấn đề lưu thông trong ngõ mới đáng bàn. Trong thực tế, không hiếm những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra từ những “ngõ hẹp” đầy “oan gia”.

Đi xe đạp điện từ trong ngõ ra đường chính phải chú ý giảm tốc độ để tránh tai nạn. Ảnh:  Nguyễn Hoàng

Ghi nhận từ các camera hành trình cho thấy, nhiều vụ TNGT thảm khốc với kịch bản khá phổ biến: xe máy lao thẳng từ trong ngõ mà không quan sát dẫn đến va chạm kinh hoàng với các phương tiện đang phóng tốc độ cao trên đường chính. Đơn cử, vụ việc vào đầu tháng 7 vừa qua tại Hà Nội: Vào khoảng 21 giờ tối, một chiếc xe máy đang chạy với vận tốc nhanh trên đường Minh Khai, thì bất ngờ một chiếc xe máy khác phi như bay từ trong ngõ ra. Do không làm chủ được tốc độ, hai xe máy đã tông thẳng vào nhau. Cú va chạm khiến chủ phương tiện điều khiển xe máy sang đường ngã bất tỉnh tại chỗ. Trong khi đó, chiếc xe máy còn lại trượt dài khoảng 30m, tạo ra những tia lửa trên đường. Chứng kiến cảnh tượng này, người dân gần đó vô cùng bàng hoàng và sợ hãi.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, “điểm mù” giao thông trong ngõ để lại nhiều hậu quả thương đau khi người điều khiển phương tiện ở đường chính và đường trong ngõ bị cản tầm nhìn, nhưng lại chủ quan khi di chuyển nhanh. Khi đó, “điểm mù” khiến người điều khiển không chủ động xử lý được những chiếc xe ở ngõ, ngách có ý định chạy cắt qua đường… Ngoài ra, các chướng ngại trong ngõ hẹp như xe cộ, quán cóc… hay thiếu biển cảnh báo cũng là căn nguyên của những vụ TNGT xảy ra trong ngõ.

Tăng biển báo chỉ dẫn giao thông

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đối với các chủ phương tiện lưu thông trong khu dân cư, có nhiều ngõ ngách dọc hai bên đường chính cần tập trung quan sát, giảm tốc độ. Bởi vì các khu vực này thường có bề rộng hạn chế, khuất tầm nhìn. Người lái vì thế sẽ khó quan sát được khoảng không gian phía trước bằng mắt thường. Nếu đi nhanh, khó có thể xử lý tốt khi gặp các xe đi ngược chiều áp sát. Do đó, việc giảm tốc độ sẽ giúp người chủ phương tiện chủ động “phòng thủ” làm chủ tay lái và dừng xe khi có các chướng ngại bất ngờ xuất hiện. Đặc biệt, với ô tô, loại phương tiện có tốc độ cao khi đi qua những khu vực này nên điều khiển xe vào giữa đường, không nên đi sát 2 bên lề. Nếu là ô tô số tự động, nên ga nhẹ nhàng để tốc độ trong khoảng từ 10 - 20km/h. Với xe số sàn thì cần giảm tốc độ, để số thấp, tránh nguy hiểm bất ngờ như trẻ em, xe cơ giới từ trong ngách đi ra.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ: “Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.” Đường ngõ là đường nhánh, nên vì vậy, khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ đi ra, người lái xe phải nhường đường cho các phương tiện đang đi ở đường chính. Nhường đường vì thế không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa giao thông mà còn cần được chấp hành theo đúng những quy định về bảo đảm an toàn.

Thực tế, trong khi trên các trục đường chính các hệ thống biển báo, đèn tín hiệu được trang bị, lắp đặt đầy đủ thì khu vực đường nhánh lại bị “lãng quên”. Không thể phủ nhận các biển báo nhỏ “Đi chậm, chú ý quan sát” nhưng có tác dụng lớn tới việc đôn đốc, nhắc nhở người lái xe trong vài giây phút lỡ “nhấn” chân ga. Nhiều tài xế có kinh nghiệm cũng kiến nghị nên lắp đặt các biển báo đi chậm hoặc giảm tốc độ trong ngõ để đảm bảo an toàn khi lưu thông trong những “điểm đen” này. Những loại biển báo này được đặt ở các vị trí dễ quan sát sẽ thường xuyên tác động lên não bộ người điều khiển phương tiện trong ngõ. Từ đó, xây dựng thói quen tự giác chủ động giảm tốc độ khi ra đường chính. Việc làm này không chỉ xây dựng văn hóa giao thông “khỏe mạnh” mà còn hạn chế các lái xe phải phanh hãm đột ngột, dễ gây tai nạn.q

Hành vi chạy xe từ trong ngõ ra đường chính mà không giảm tốc độ thì xử lý theo quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP: "Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính". Từ ngày 01/8/2016 Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ thay thế cho Nghị định 171/2013/NĐ-CP trên. Mức phạt cho hành vi trên không thay đổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần