Đừng để rước bệnh khi đi bơi

Tiến Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày nắng nóng các bể bơi ở Hà Nội đều quá tải. Ở những bể bơi chất lượng nước không đạt chuẩn hoặc phụ huynh không biết cách phòng tránh bệnh cho con dễ khiến trẻ mắc bệnh, thậm chí là các bệnh nguy hiểm như viêm xoang, áp xe mắt, áp xe não…

 Trẻ em bơi lội tại bể bơi Thái Hà. Ảnh: Nguyễn Quỳnh 
Mẹ chủ quan con mang bệnh
Chị Nguyễn Thị Hương (quận Ba Đình) kể, sau một tuần học bơi, con gái chị có biểu hiện ngứa, chảy nước mũi, nhưng chị vẫn chủ quan cho rằng do thay đổi thời tiết. Đến khi con chị có biểu hiện đau đầu, mờ mắt, sưng nửa mặt, chị mới đưa con đi khám, thì bác sĩ cho biết, bé bị viêm xoang cấp, có biểu hiện biến chứng ở mắt, thần kinh và não… Và cháu phải điều trị một đợt dài ngày tại bệnh viện.

Tương tự, bé Phạm Văn M, 8 tuổi (huyện Đông Anh) sau một vài tuần đi bơi bị sốt 39 – 400C, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái sưng tấy, dần lồi ra phía trước. Tưởng con đau mắt, gia đình mua thuốc nhỏ, nhưng không đỡ liền đưa đi khám. Sau khi chụp CT Scan, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đa xoang mạn tính có biến chứng mắt, thị lực giảm nghiêm trọng phải phẫu thuật.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết, cứ đến Hè là số bệnh nhi bị viêm xoang do đi bơi tăng cao. Tại phòng khám của bà, trung bình có khoảng 5 – 7 ca tới khám mỗi tháng, đa phần là trẻ từ 5 – 17 tuổi. Đặc biệt, có rất nhiều trẻ bị nặng như đau đầu, sưng nửa mặt, mờ mắt, không thở được, viêm đa xoang, mủ nhiều… phải điều trị tích cực.
Hầu hết ở trẻ nặng là do cha mẹ chủ quan, coi thường khi thấy trẻ đi bơi về bị ngứa mũi, hắt hơi… nhưng không phát hiện và điều trị sớm. “Viêm xoang không chỉ khiến trẻ đau đớn, khó chịu tại chỗ mà còn gây viêm kết mạc mắt dễ dẫn tới mù, liệt mắt, giãn đồng tử, liệt mắt, viêm thần kinh thị giác, viêm hoặc u nhầy các xoang sau... Bệnh còn có thể dẫn tới viêm màng não mủ, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch dọc trên, xoang hang, nhiễm khuẩn nội sọ gây nguy hiểm tính mạng.

Quá tải + nước bẩn = gây bệnh

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, hầu hết các hồ bơi ở TP hiện nay đều trong tình trạng quá tải, nên môi trường nước rất dễ bị ô nhiễm. Tại những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, sau khi đi bơi, có thể mắc nhiều bệnh, nhất là các bệnh về tai mũi họng như viêm họng, viêm mũi, viêm mũi xoang, viêm tai… Các bệnh thường gặp sau khi bơi như viêm họng, viêm mũi xoang dẫn đến viêm tai giữa cấp với triệu chứng ù tai, giảm thính lực, đau tai …

Chính vì vậy, PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm bệnh khi đi bơi, cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như đồ bơi, phao bơi, mũ bơi, kính bơi, nút tai, khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng. Trước khi xuống hồ, nên tắm gội sạch sẽ và khởi động làm nóng cơ thể để tránh chuột rút. Trong khi bơi cần tránh sặc nước, hạn chế nước vào tai và mũi họng. Khi mới bơi xong, nên choàng khăn ngay cho trẻ để tránh gió. Sau đó, tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ và lau khô giữ ấm.

Đặc biệt, cha mẹ cũng không nên dùng bông gòn ngoáy tai sẽ gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng da ống tai ngoài. Nếu nước vào tai, chỉ cần nghiêng đầu, lắc nhẹ và kéo nhẹ vành tai tạo đường thẳng cho nước chảy ra ngoài. Có thể nhỏ mắt, nhỏ mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý. Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.

Theo các bác sĩ, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi tham gia bộ môn bơi lội, phụ huynh nên cho trẻ đi khám để quyết định có thể tham gia hoạt động bơi lội được không. Bên cạnh đó, nên chọn hồ bơi đạt tiêu chuẩn chất lượng và có uy tín để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và chất lượng nước. Không nên để trẻ ngâm nước quá lâu, tối đa chỉ 30 phút đối với trẻ dưới 5 tuổi và khoảng 1 giờ đối với trẻ lớn hơn để phòng ngừa chứng cảm lạnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội: Trẻ mắc bệnh hen phế quản, còn gọi là suyễn, khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính, như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Trẻ bị viêm da dị ứng cũng không nên bơi bởi dễ bị dị ứng hóa chất được pha trong nguồn nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần