Đừng để tiến độ cổ phần hóa thụt lùi

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2018 đến nay, tiến trình cổ phần hóa thực hiện hết sức chậm chạp. Bên cạnh các khó khăn mới phát sinh cản trở, việc một số địa phương đề xuất Chính phủ trì hoãn thời gian và điều chỉnh chính sách đang làm cho cổ phần hóa có nguy cơ tụt lùi.

Theo Quyết định số 58 (ngày 28/12/2016) của Thủ tướng Chính phủ về phân loại, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 thì chỉ còn 103 DN thuộc 11 lĩnh vực do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hoạt động của loại DN này bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ đặc biệt là đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia.
Đối với 5 lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như khai thác hàng không, dịch vụ hàng không, khai thác khoáng sản quy mô lớn, thăm dò và khai thác dầu khí, tài chính ngân hàng, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ có 4 DN. Đối với 8 lĩnh vực quan trọng nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% có 27 DN. Còn các lĩnh vực khác nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm 106 DN.
Đề xuất không thuyết phục
Tuy nhiên, gần đây một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề xuất Bộ KH&ĐT trì hoãn kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại DN theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau cổ phần hóa, Hapro giữ nguyên hoạt động là một công ty với thế mạnh về xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ. Ảnh: Duy Đức
Theo đó, TP đề xuất tăng thêm 4 lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ là cung ứng dịch vụ cho cơ quan nước ngoài và cơ quan ngoại giao đoàn; hoạt động thông tin; khai thác, cung ứng nước sạch, ngầm; đầu tư, quản lý, khai thác cảng sông. TP còn đề xuất điều chỉnh mức nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ lên trên 65% đối với DN lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu; điều chỉnh mức nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ lên trên 50% và dưới 65% đối với DN môi trường, chiếu sáng, thoát nước khi tiến hành bán cổ phần lần đầu.
Đối với DN thuộc UBND TP Hồ Chí Minh quản lý, TP đề xuất giữ nguyên 100% vốn điều lệ nhà nước nắm giữ gồm 4 DN; điều chỉnh nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đối với 3 DN và điều chỉnh nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% là 6 DN. Toàn bộ số DN được đề xuất là DN lớn của TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh đề xuất được, đương nhiên các tỉnh, thành khác cũng được quyền đó. Nếu 63 tỉnh, thành hoặc nhiều tỉnh, thành cùng đề xuất như vậy liệu chủ trương, tiến trình, kế hoạch cổ phần hóa DNNN ở nước ta có vỡ trận?
Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh quy định 4 nhóm vấn đề TP có thể vận dụng, không có nội dung nào cho phép TP có thể làm khác chủ trương, tiến trình, kế hoạch cổ phần hóa DNNN của Chính phủ.
Ngược lại, Nghị quyết số 54 của Quốc hội quy định TP Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa các DNNN do UBND TP quản lý và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại DN mà UBND TP làm đại diện chủ sở hữu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tức cho TP được hưởng cơ chế tạo nguồn thu đặc thù. Vậy tại sao TP Hồ Chí Minh không đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN để hưởng cơ chế đặc thù đó mà lại tính bài lùi? Trong khi TP Hồ Chí Minh đang đứng trước áp lực rất lớn giải quyết nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đề xuất của TP Hồ Chí Minh cần quan tâm không chỉ góc độ quyền năng đề xuất chưa hợp lý mà nội dung đề xuất thiếu cơ sở. Việc TP đề xuất tăng thêm 4 lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ nói trên là không phù hợp cả lý thuyết và thực tế về công ty nhà nước, công ty tư nhân.
Nhà nước không sở hữu 100% vốn điều lệ tại các DN thuộc 4 lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh đề xuất không dẫn đến mất an toàn, an ninh cho TP này và cho cả nước. Trái lại, cổ phần hóa DNNN các lĩnh vực này sẽ giúp DN phát triển. Hoạt động kinh doanh cảng sông, nước sạch/ngầm, cung cấp thông tin, dịch vụ cho cơ quan nước ngoài/ ngoại giao đoàn thì DN nào cũng có thể làm tốt chứ đâu chỉ có DN 100% vốn nhà nước mới làm tốt.
Tương tự như vậy, việc TP Hồ Chí Minh đề xuất điều chỉnh mức vốn điều lệ nhà nước nắm giữ dưới 50% lên trên 65% (lĩnh vực thuốc và dược liệu) hoặc lên mức từ trên 50% đến dưới 65% (đối với lĩnh vực môi trường, chiếu sáng, thoát nước) là không phù hợp.
Hiện sản xuất kinh doanh thuốc, dược liệu vẫn được nhìn nhận là quan trọng nhưng không phải là nhạy cảm (ngân hàng chẳng hạn) nên nhà nước không cần chi phối vốn điều lệ trên mức 65%. Còn các DN môi trường, chiếu sáng, thoát nước việc tư nhân hóa càng nhiều, nhanh càng lợi cho nhà nước sao lại níu kéo?
Dĩ nhiên, đề xuất điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ nói trên TP Hồ Chí Minh đưa ra trong trường hợp bán cổ phần lần đầu. Tức là tỷ lệ đó có thể giảm xuống trong quá trình thoái vốn nhà nước tại DN sau cổ phần hóa. Thực ra đây là cách lách bằng từ ngữ. Nên nhớ, các tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước cần nắm giữ thể hiện trong danh mục theo Quyết định số 58 – TTg và theo Văn bản 991/TTg – ĐMDN (10/7/2017) là tỷ lệ quy định khi cổ phần hóa DNNN chứ đâu phải sau cổ phần hóa.
Những nguyên nhân chậm cổ phần hóa
Tiến trình cổ phần hóa DNNN từ 2018 đến nay hết sức chậm do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cổ phần hóa chưa hấp dẫn nhà đầu tư vì tỷ lệ vốn nhà nước chi phối quá lớn. Theo danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 (Văn bản 991/TTg – ĐMDN) trong năm 2018, riêng TP Hồ Chí Minh phải hoàn thành cổ phần hóa 39 DNNN trên 64 DNNN cả nước phải cổ phần hóa trong năm này.
Do năm 2018 không cổ phần hóa được DN nào nên TP Hồ Chí Minh chuyển kế hoạch cổ phần hóa 32/39 DNNN sang năm 2019 và năm 2020 cổ phần hóa số DNNN còn lại. Đến nay, chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2019 nhưng TP Hồ Chí Minh chưa cổ phần hóa được DNNN nào.
Danh mục 13 DNNN được TP Hồ Chí Minh đề xuất giữ nguyên 100% vốn điều lệ của nhà nước hoặc điều chỉnh tăng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà nước đều là DN dạng “ông lớn” tại TP này.
Tuy vậy, từ năm 2017 đến nay, thông qua thanh tra, kiểm toán nhà nước đã cho thấy không ít DNNN trong danh mục đó được gọi tên về hoạt động kinh doanh phát sinh tiêu cực, xuất hiện lợi ích nhóm chi phối, vi phạm pháp luật, chẳng hạn: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn sai phạm trong chuyển nhượng cổ phần và thoái vốn nhà nước; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) sai phạm trong cho thuê và hợp tác đầu tư bằng đất, trong quản lý chi tiêu nội bộ; Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn sai phạm trong đầu tư của công ty con, trong cho thuê mặt bằng;…
Dấu ấn nổi bật của các DNNN nói trên là hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp trong khi nguồn lực được nhà nước cấp quá lớn, coi thường pháp luật trong quản lý tài chính. Thử hỏi tại sao Tổng Giám đốc SAGRI có thể ký chi khống đến 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài? Hoặc trong năm 2016, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đi nước ngoài đến 4 lần? Đây là DN được TP Hồ Chí Minh đề nghị giữ 100% vốn điều lệ của nhà nước.
Là DNNN song DN này không chứng tỏ được vị thế, hiện người nghèo và người chưa đăng ký thường trú tại địa bàn vẫn phải trả tiền nước giá cao. Người dân phải chấp nhận giá nước tăng do tỷ lệ thất thoát nước quá lớn chậm được khắc phục.
Những yếu kém nêu trên của DN nguyên nhân từ đâu? Người ta có quyền biện bạch lý do. Nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là việc duy trì mô hình DN lớn do TP Hồ Chí Minh quản lý quá lâu, tạo ra các “lô cốt” bảo vệ độc quyền thị trường, tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng.
Không thể níu kéo mô hình DNNN dạng “sân sau” của chính quyền quản lý được nữa, thiết nghĩ TP Hồ Chí Minh cần chấp nhận kế hoạch cổ phần hóa DNNN mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Cũng đã đến lúc thiết nghĩ Quốc hội ban hành Luật Cổ phần hóa DNNN thay thế Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và các văn bản liên quan điều chỉnh hoạt động cổ phần hóa DNNN. Chỉ như vậy chúng ta mới kỳ vọng tiến trình cổ phần hóa DNNN được đẩy nhanh hơn do kỷ cương phép nước thắt chặt.

Giờ đây việc trì trệ trong cổ phần hóa được tiếp sức bởi đề xuất tăng tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa DNNN chắc chắn TP Hồ Chí Minh có nguy cơ “dậm chân tại chỗ”, không thực hiện được Chỉ thị 01/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ (5/1/2019) về đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước.