Đừng để trẻ cô đơn ngay trong gia đình mình

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những cuộc nói chuyện về vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ được tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/9 vừa qua, một vấn đề được đưa ra là nhiều trẻ đang cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Đây cũng là một thực tế của không ít gia đình hiện nay.

Một cô bé kể, lúc nào em cũng có cảm giác muốn nổi loạn. Bởi bố mẹ không hề biết những khoảng trống vô hình trong lòng cô bé khi suốt ngày bận rộn với công việc, các mối quan hệ và những bản hợp đồng. Bố mẹ đâu biết đã bao nhiêu ngày cô bé phải ăn cơm một mình, có khi chỉ là bát mỳ tôm cho qua bữa. Nhận học bổng cao, cô bé vui sướng vô cùng, nhưng đến cơ hội để khoe với bố mẹ cũng không có. Rồi biết bao những chuyện vui buồn của tuổi mới lớn, những cám dỗ ngoài đời... rất cần được vòng tay bố mẹ chở che và bảo vệ cũng thiếu nốt. Đau lòng hơn là khi cô bé luôn cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà mình đang sống và đã không ít lần tìm đến cách giải quyết rất tiêu cực.
Ảnh minh họa.
Một hôm đến nhà bạn chơi, cô bé được mẹ bạn giữ lại ăn cơm. Bố mẹ bạn chỉ là những nhân viên bình thường, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trên mâm cơm hôm ấy chỉ có một đĩa rau, đĩa thịt kho nhỏ và một bát canh, nhưng cả nhà quây quần bên nhau đầm ấm biết bao. Cô bé đã nhiều lần nghe bạn bảo, “nhìn bố mẹ túng thiếu mà thèm một cuộc sống đầy đủ như bạn”. Nhưng những lúc ấy, cô bé chỉ biết cười mà cay xè khoé mắt. Bởi bạn đâu biết rằng, điều cô bé mơ ước nhất không phải là những thứ vật chất quá đủ đầy mà lạnh lẽ kía, giấc mơ lớn nhất trong lòng cô bé chính là những bữa cơm gia đình đầm ấm như gia đình bạn.

Một người trẻ khác cũng rơi vào cảnh, nếu muốn trò chuyện với bố mẹ, cũng là qua điện thoại, qua những tin nhắn. Cuộc sống tẻ nhạt đến mức khi ngồi đối diện bố mẹ, cậu cũng không thể nói lời nào bởi điều bố mẹ cậu quan tâm không phải là cuộc sống riêng của cậu mà là vô vàn những bận tâm khác. Chính vì thiếu sự quan tâm của người lớn, khiến cậu ngày càng trở nên cô đơn, không muốn đến trường.

Trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ bị “bỏ rơi” trong chính gia đình của mình không phải là hiếm gặp. Một cậu bé đã phải thốt lên: “Người mà tôi gọi là mẹ ấy có bao giờ quan tâm đến tôi đâu, lúc nào cũng lo kiếm tiền. Mỗi khi có việc gì không vừa lòng, mẹ đều trút giận lên tôi. Tiền nhiều mà để làm gì, tôi đâu có cần”.

Cuộc sống hiện đại với guồng quay chóng mặt, cuốn nhiều phụ huynh lao vào công việc, không còn thời gian để ngó ngàng đến con cái. Nhưng cũng có nhiều người quan tâm đến con theo chiều hướng thái quá, áp đặt, trừng phạt nghiêm khắc với mong muốn “như thế mới nên người”. Cả hai cách này đều khiến trẻ thấy mình cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình. Có những đứa trẻ trở nên khó gần, ngang bướng, thậm chí có nhiều hành vi lệch chuẩn dễ bị những thói xấu tác động hoặc có những hành vi sai lầm đáng tiếc.

Nhiều ý kiến đã chỉ ra, nhà trường, gia đình và xã hội gắn kết, hỗ trợ nhau trong việc giáo dục trẻ, trong đó, vai trò của gia đình được đặc biệt nhấn mạnh bởi đây chính là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ. Ở đó, bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên và cũng chính là người thầy đi suốt cuộc đời cùng con cái. Đó là cái nôi chắp cánh cho những thành công của con trẻ trong sự nghiệp và trên đường đời. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí đến nỗi họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian dành cho con cái mình. Đây là một sai lầm phổ biến tác động trực tiếp đến thế hệ trẻ. Bởi điều này dẫn đến một hệ lụy là rất nhiều trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả việc nuôi dạy con cái hiện nay, không ít gia đình cũng nhìn nhận rất sai khi chỉ bó hẹp trong việc học hành của con và nghĩ rằng một đứa con ngoan là luôn mang về điểm 10 và danh hiệu học sinh giỏi, mà quên mất việc giáo dục cho con mình cách ứng xử, cách đối nhân xử thế... mới là quan trọng.

Do đó, trong các cuộc nói chuyện về hạnh phúc gia đình thảo luận, các chuyên gia đã đúc kết ra là: Để phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ thì trước hết các bậc làm bố mẹ phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Mỗi ngày, bố mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10-15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh đó, phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành. Bố mẹ cần thay đổi nhận thức và có những ứng xử tình cảm thích hợp, giao tiếp nhiều hơn với con, lắng nghe và thấu hiểu chia sẻ với con, đó cũng là điều chính những đứa trẻ đang mong muốn.