Đừng để “ván đã đóng thuyền”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lùm xùm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là câu chuyện đang được dư luận quan tâm thời gian qua.

Một DN tàu thủy mua Hãng phim không quan tâm đến làm phim; định giá một thương hiệu có giá trị lịch sử gần trăm năm và có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam bằng 0… là một số trong rất nhiều những vấn đề mà quá trình cổ phần hóa Hãng phim này khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi. Quá trình cố phần hóa đúng hay sai, nếu sai, sai chỗ nào thì còn phải chờ kết quả từ cơ quan Thanh tra...
Tuy nhiên, thực tế từ câu chuyện cổ phần hóa (CPH) VFS cho thấy, quá trình CPH thất thoát một lượng tài sản cũng như vốn Nhà nước vào tay tư nhân. Định giá DN, minh bạch thông tin cũng đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Nếu thông tin minh bạch, người lao động quan tâm đến quyền lợi của mình, nhà đầu tư quan tâm đến quyền lợi người lao động thì không có chuyện chờ đến khi nhà đầu tư chiến lược mua xong Hãng phim, các nghệ sỹ mới bắt đầu lên tiếng.
Để hạn chế các lỗ hổng trong định giá tài sản DN CPH, nhà đầu tư mua cổ phần chỉ quan tâm đến đất vàng và ngăn chặn tối đa tình trạng thất thoát, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo về CPH DN Nhà nước. Theo đó, dự thảo quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm quyết định CPH. Nhà đầu tư chiến lược cũng phải có thêm nhiều điều kiện, trong đó phải duy trì ngành nghề kinh doanh chính của DN tối thiểu 3 năm.
Ngoài ra, quy định quan trọng trong Dự thảo là tất cả thông tin phải được cáo bạch tới người lao động. Ngoài ra, người lao động cũng cần quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của mình trong quá trình DN CPH. Điều này sẽ hạn chế bớt những lùm xùm kiểu “ván đã đóng thuyền”, mua bán xong rồi các nghệ sỹ mới lên tiếng như ở VFS. Như lời một lãnh đạo Bộ Tài chính, trước khi CPH có buổi phổ biến phương án CPH cho cán bộ, công nhân, viên chức, phương án nói rõ cổ đông là ai, thế mạnh gì để người lao động có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Nếu chọn cổ đông không đúng, người lao động phải có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo cấp trên để cân nhắc phương án phê duyệt. Nếu để đến khi nhà đầu tư chiến lược “quên” nghề nghiệp chính của DN CPH, người lao động mới lên tiếng, việc đã rồi thì câu chuyện giải quyết đúng sai sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.