Đừng đem con bỏ chợ

Thu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính ra đã đủ 3 tháng kể ngày hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị tăng “án phạt” hành chính từ 300.000 đồng lên 1 – 3 triệu đồng (Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2017).

Thời gian đầu, câu chuyện “đi tiểu mất tiền triệu”, “người bị phạt không có tiền nộp phạt”… gây xôn xao trong dư luận, giờ những sự vụ phạt hay nhắc nhở như vậy có vẻ đã lắng lại.
Không phải tại “nỗi băn khoăn” bấy lâu “ai là người được phép phạt?”, bởi Nghị định 155 đã chỉ định khá rõ “nhân sự” làm nhiệm vụ này. Ấy là lực lượng công an, là chủ tịch UBND các cấp, là thanh tra chuyên ngành Tài nguyên môi trường… Vậy nhưng đi vào thực tế với sự hồ hởi, nhiệt tình của những người có trách nhiệm mới thấy, còn những khó xử để áp dụng nhuần nhuyễn “án phạt” này.
Là bởi với mức phạt tiền triệu của hành vi tiểu bậy, thì người được ký “án phạt” phải ở cấp trạm trưởng, đội trưởng đội công an hay Chánh Thanh tra Sở hoặc Bộ TN&MT, Chủ tịch xã, phường, quận, huyện... Nhưng người phát hiện được hành vi tiểu bậy thì thường lại là chiến sĩ công an hay thanh tra viên. Nghĩa là muốn phạt được thì cấp dưới phải mời được cấp trên tới gốc cây, cột điện, chân tường… hiện trường, hoặc chuyển hồ sơ phạt cho Chánh Thanh tra Sở hoặc Bộ xem xét… Quy trình ấy xem ra không thích hợp với một hiện tượng đáng ra phải phạt nóng như tiểu bậy.
Hơn thế, để có đầy đủ hồ sơ phạt, thì nhà chức trách phải chụp được ảnh, quay được clip hành vi vi phạm làm tang chứng. Ấy là một việc khó đối với hành vi diễn ra trong chớp nhoáng này. Đấy là chưa nói đến chuyện tế nhị như một nhà giáo về hưu nhận xét: “Thật khó khi yêu cầu người ta đi rình để chụp ảnh, quay clip người tiểu bậy!”. Mà chính những người có trách nhiệm ở xã, phường cũng thừa nhận, lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành… không đủ để có thể rải quân khắp phố phường bắt quả tang người tiểu bậy.  
Vẫn biết ở một số nước trong khu vực, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng bị xử phạt hành chính rất cao. Ở Singapore có thể bị phạt đến 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng), tái phạm sẽ bị phạt 2.000 - 5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Ở Kuala Lumpur (Malaysia), nếu vi phạm bị phạt 5.000 RM (hơn 25 triệu đồng), thậm chí nơi cấm tiểu bậy mà vi phạm nhiều lần có thể kết án tù. Vẫn biết ở đô thị Hà Nội, chuyện tiểu bậy là không thể chấp nhận, là dứt khoát phải triệt tiêu, phải phạt nặng. Nhưng liệu cách áp dụng “án phạt” kia đã thích hợp?
Phải nói rằng đây không phải lần đầu tiên Hà Nội chia quân xử phạt hành vi tiểu bậy. Còn nhớ dạo Thủ đô hối hả chào đón sinh nhật 1000 năm tuổi, những đoàn liên ngành do ngành văn hóa chủ trì đã từng dạo phố bắt phạt người tiểu bậy. Quả là hành vi phản cảm ấy có giảm, nhưng đợt ra quân qua đi, thì mọi việc lại trở lại… như cũ. Thế nên, rất nhiều người đô thị lo lắng khi nhìn về cách xử phạt với mức phạt tăng thêm lần này lại như thể “đem con bỏ chợ” vậy. Bởi sẽ rất khó khi hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu. Và đặc biệt là khi câu chuyện tiểu bậy còn chưa được chấn chỉnh trong ý thức người dân.
Nghĩa là câu chuyện ý thức vẫn là điều cốt lõi trong việc xóa sổ hành vi tiểu bậy nơi đô thị.