Đừng “hành chính hóa” tấm lòng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về hàng ngàn người dân các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Thạch Thành, TP Thanh Hóa... thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội, với mong muốn nhường cho người khó khăn hơn, đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Đây thực sự là những câu chuyện rất cảm động, thể hiện tinh thần chung tay, khắc phục khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, bởi cách làm ở một nơi thuộc các địa phương này đã vô tình tạo ra những băn khoăn và cả không ít câu hỏi, điều tiếng về việc có hay không sự “vận động”, bệnh thành tích.
 UBND phường Bưởi chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 là chương trình an sinh rất quan trọng, với phạm vi người thụ hưởng lớn. Trong những ngày qua, các địa phương đã khẩn trương đưa chính sách đến với người dân; nhiều hình thức giám sát cũng được đồng thời triển khai bảo đảm sự công tâm, công khai, minh bạch, để không xảy ra việc "con dê, đàn gà đi lạc" như một số chính sách trước đây. Có thể nói rằng, chính sách đã tạo ra sự lan tỏa lớn về ý nghĩa nhân văn. Ý nghĩa nhân văn này càng được nhân lên khi những người thuộc diện được hỗ trợ đã quyết định tự nguyện không nhận, hoặc trả lại tiền hỗ trợ, để dành cho những trường hợp khó khăn hơn.
Phải khẳng định rằng, việc làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ để nhường cho người khác khó khăn hơn rất đáng hoan nghênh. Nhưng xung quanh đó, qua thông tin phản ánh cho thấy, có những địa phương làm sẵn mẫu "Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19" mà không phải là đơn viết tay của người dân, rồi chính con số người dân tự nguyện không nhận quá lớn đã dấy lên những câu hỏi về việc liệu có hay không việc chính quyền vận động, gợi ý người dân không nhận.
Ngay trong công điện hỏa tốc lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa gửi các địa phương trong tỉnh về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng cho biết, thông tin từ Tổng đài 111 (tổng đài hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do Covid-19) phản ánh có tình trạng ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được vận động không nhận kinh phí hỗ trợ, không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
Dù lãnh đạo các xã có giải thích, việc làm đơn sẵn là do nhiều người dân trình độ còn hạn chế, khả năng viết còn kém, nên đề nghị xã thảo mẫu đơn chung; bản thân người dân qua các phương tiện thông tin cũng đưa ra lời giải thích, tuy nhiên, qua đây có nhiều điều cũng cần nhìn nhận lại.
Thiết nghĩ, chính quyền không nên can thiệp hoặc đứng ra “làm hộ” việc tự nguyện của dân; “hành chính hóa” tấm lòng thơm thảo bằng việc soạn sẵn ra những văn bản mẫu. Thay vào đó, nên để người dân nếu thực sự muốn tự nguyện nhường phần hỗ trợ, có thể viết đơn bằng chính nét chữ của mình. Việc chữ xấu hay đơn không theo chuẩn có lẽ cũng không quá quan trọng ở đây, bởi có thể chỉ cần một vài dòng cũng đủ.
Ngay sau những thông tin từ dư luận, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị trong tỉnh chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có); đồng thời, hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ. Những chỉ đạo này là rất kịp thời.
Bởi từ việc có sẵn “đơn tự nguyện” đồng loạt, chỉ cần ký vào này đã khiến nhiều người liên tưởng đến những đơn tự nguyện khác, như đơn tự nguyện xin học thêm, đơn tự nguyện đóng góp… Không phải là tất cả, nhưng đã từng xảy ra tình trạng “không tự nguyện không được” hoặc "gợi ý tự nguyện" khi đứng trước các mẫu đơn được phát đồng loạt này.