Dùng mạng xã hội để tuyên truyền văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa thường trực đối với mỗi người tham gia giao thông.

Ở Việt Nam tỷ lệ tử vong vì TNGT cao hơn mức trung bình của thế giới với hậu quả vô cùng đau thương và nặng nề. Đó là sự mất mát về tính mạng con người, là gánh nặng cho gia đình bị nạn và những người liên quan về cả tình cảm lẫn kinh tế. Một thực tế đáng báo động qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, phần lớn nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của người dân.

Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi

Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành.
Dùng mạng xã hội để tuyên truyền văn hóa giao thông - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa.
Bản thân mỗi người dân vì thế phải tích cực xây dựng cho bản thân văn hóa giao thông để có trách nhiệm với an toàn của mình và của những người tham gia giao thông khác. Chấp hành kỷ cương phép nước chính là thước đo văn hóa của người tham gia giao thông. Văn hóa giao thông phản ánh trực diện trình độ văn hóa, văn minh của một đô thị “Du khách đến TP nào chỉ cần nhìn vào thực trạng giao thông ở đó, qua hành vi ứng xử của người tham gia giao thông là đã có thể đánh giá được mức độ tiến bộ của TP ấy”.

Vấn đề này yêu cầu việc giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình. Gia đình là nơi mọi thành viên sẻ chia, tâm sự, trao đổi thông tin, tình cảm. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên đối với mỗi con người. Do đó, ở mỗi gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt, người lớn phải gương mẫu, có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em học tập. Tuyên truyền giáo dục ý thức tham gia giao thông ở nơi cư trú, cơ quan, trường học, nơi làm việc của người lao động, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội.

Phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Văn hóa giao thông”, xây dựng và triển khai trên địa bàn toàn quốc mô hình quần chúng tự quản về trật tự ATGT tiêu biểu.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phải có nội dung, phương pháp khoa học để có hiệu quả cao. Trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông nên đưa ra các hình ảnh, các số liệu cho người nghe biết. Sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền cũng là một công cụ hiệu quả nhằm gắn kết các thành viên trong một trang fage hay diễn đàn có ý thức tham gia giao thông, tuân thủ đạo đức người lái xe. Ngày nay mạng xã hội nói chung đang là “món ăn tinh thần”, hay chính xác hơn là “thú tiêu khiển” của rất nhiều người.

Sức hút và sức mạnh của mạng xã hội là quá rõ ràng khi có hàng tỷ người trên thế giới đang sở hữu hàng tỷ tài khoản Facebook, Twitter, Zingme… Tại Việt Nam, thống kê mới nhất cho thấy có hơn 30 triệu tài khoản mạng xã hội đang lưu hành. Bên cạnh hình thức trang tin điện tử (website), trang mạng xã hội đang là hình thức truyền tải thông tin được ưu tiên sử dụng. Mạng xã hội không chỉ hấp dẫn, thu hút giới trẻ bởi tính năng động và trẻ trung thông qua các ứng dụng chat, game mà đang trở nên gần gũi hơn với tầng lớp trung niên, người cao tuổi vì thông qua đó các cá nhân có thể kết nối bạn bè rộng hơn hay đơn giản là tìm hiểu thông tin. Khi hình thức tuyên truyền, giáo dục ATGT qua báo giấy không còn là kênh truyền tải thông tin phổ biến, phát thanh radio giảm đáng kể người nghe, truyền hình đang bị bão hòa thì mạng xã hội lại thể hiện điểm mạnh của kênh thông tin dễ lan truyền và lan truyền nhanh nhất với chi phí bằng 0.

Việc sử dụng các trang xã hội để chia sẻ những thông tin về UTGT, hậu quả của TNGT, cảnh báo những sự cố bất an toàn khi tham gia giao thông, kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn… đang đem lại những chuyển biến tích cực.

Tăng tính kết nối

Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên của các trường học, cơ quan tại nước ta cũng cần nhanh nhạy tham gia vào môi trường này để tăng tính kết nối với các bạn trẻ với những loại hình tuyên truyền, giáo dục sáng tạo như vẽ tranh cổ động việc đội mũ bảo hiểm đúng cách, video dạy tham gia giao thông đúng mực... sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức tham gia giao thông của đông đảo người dân.

Muốn giảm thiểu tai nạn, đảm bảo trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông thì điều kiện tiên quyết chính là tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Những câu khẩu hiệu: “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy”… được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội là những lời kêu gọi tinh thần trách nhiệm của người tham gia giao thông trước an toàn tính mạng của chính mình và người khác. Nâng cao ý thức, thái độ của mỗi người dân khi tham gia giao thông sẽ không chỉ làm giảm thiểu tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông, xây dựng môi trường giao thông nền nếp, hiện đại và an toàn.