Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hình thức huy động vốn biến tướng lãi suất cao tại Công ty Chứng khoán MB, VNDirect thời gian gần đây vừa bị Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng và xử phạt.

Tuy nhiên, câu chuyện quản lý Nhà nước chạy theo xử lý tình huống khi “sự đã rồi” của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính đang bị đánh giá là thiếu chủ động và chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường.
Thị trường chứng khoán sôi động khiến nhu cầu tín dụng lĩnh vực này tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu vốn, nhiều công ty chứng khoán đã huy động nguồn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua “hợp đồng hợp tác đầu tư” hay các sản phẩm tiết kiệm tiền gửi. Mức lãi suất của các sản phẩm này cao hơn lãi suất ngân hàng với phong phú các kỳ hạn từ một tuần đến một năm. Hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả DN chứng khoán và nhà đầu tư. Vì vậy, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh rủi ro phát sinh.

Theo các chuyên gia, nếu thị trường đi lên thì bên đi vay và bên cho vay đều đạt được mục đích, nhưng trường hợp thị trường đi xuống, công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hoặc có vấn đề gì đó khiến công ty chứng khoán mất vốn; trong đó có cả tiền của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay sẽ mất tiền. Điều này khác với việc nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi 100%.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Công ty Chứng khoán MB, Công ty Chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh của báo chí nói trên và đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB dừng thực hiện dịch vụ. Đối với Công ty Chứng khoán VNDirect, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của Công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ cả về số lượng nhà đầu tư tham gia đến khối lượng giao dịch. Nhu cầu vốn của thị trường này cũng theo đó tăng lên. Nhiều biến tướng lúc thị trường tăng nóng đã diễn ra. Việc Bộ Tài chính lên tiếng “phanh” các hoạt động huy động vốn biến tướng là cần thiết. Bộ này cũng cho biết, sẽ rà soát kiểm tra hoạt động biến tướng huy động vốn tại các công ty chứng khoán thời gian tới.

Tuy nhiên, các động thái của Bộ có vẻ đang đi sau thị trường khi việc đã xảy ra rồi mới bắt đầu xử lý. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang nóng hiện nay, câu chuyện giám sát chặt thị trường và hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết cần được quan tâm chặt chẽ hơn nữa. Đừng để “sự đã rồi” hoặc “mất bò mới lo làm chuồng” như nhiều vụ việc đã diễn ra trước đây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần