Đừng thêm gánh nặng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và số liệu từ các DN cho thấy, khối DN tư nhân - một trong những động lực chính của nền kinh tế đang ngày càng teo tóp về quy mô, lợi nhuận, thị trường.

Trong số rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân không nhỏ đến từ những ràng buộc về thủ tục và gánh nặng thuế, phí.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thuế, phí luôn là chuyện buồn muôn thuở đối với DN. DN càng kêu than, thuế, phí càng “đẻ” thêm nhiều loại hoặc biến tướng dưới nhiều hình thức. Một con gà hay quả trứng phải cõng từ 14 - 17 loại thuế, phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch… Một xe ô tô để chạy trên đường chịu 5 - 6 loại thuế, hàng chục loại phí… đã không còn là chuyện lạ với nhiều người, nhiều DN. Đấy là chưa nói đến các loại chi phí ngầm, chi phí “đen” đè nặng lên DN. Và cũng không ngạc nhiên vì sao thuế, phí của Việt Nam được đánh giá vẫn còn cao so với nhiều nước trên thế giới.

Câu chuyện mới đây nhất về gánh nặng thuế, phí là việc triển khai thu thuế các dự án giao thông đường bộ đầu tư BOT ngay từ đầu năm 2016 khiến nhiều DN chỉ biết thở dài. Trong khi Nhà nước đang kêu gọi DN vận tải giảm cước thì phí đường bộ lại tăng khiến nhiều DN lao đao. Thậm chí, chi phí của không ít DN vận tải với khoảng dưới 100 xe vận chuyển container tăng lên đến cả tỷ đồng. Thuế, phí tác động không nhỏ tới cộng đồng DN và nền kinh tế. Bất cứ một DN nào đang hoạt động đều phải đối mặt với thủ tục hành chính thuế. Trong khi các số liệu công bố của cơ quan chức năng cùng kết quả khảo sát DN của các đơn vị cho thấy, thực trạng “sức khỏe” của DN, nhất là DN tư nhân ở Việt Nam rất đáng báo động. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới, nhìn tổng thể, đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, cùng thời điểm có khoảng 8.468 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất. Và cũng theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy, DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một lực cản đáng kể làm cho các DN không “lớn lên” được. Quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần, đó là thực tế mà các chính sách tới đây, nhất là về thuế, phí cần có những điều chỉnh phù hợp để cùng với những giải pháp hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần