Đừng thờ ơ với tài sản quốc gia

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc gạo ST25 đang bị 4 công ty ngoại nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là, chậm chân của DN Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu cho nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung đang trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết.

Câu chuyện thương hiệu sản phẩm của Việt Nam bị DN nước ngoài đánh cắp là câu chuyện không mới. Bài học nhãn tiền về đánh mất chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ vì lơ là, chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài mà DN Việt phải hao tổn rất nhiều tiền của, tâm sức mới đòi lại được thương hiệu của mình.

Đáng buồn hơn, Việt Nam có thế mạnh về hàng nông sản nhưng trên thực tế các sản phẩm này khi xuất khẩu ra nước ngoài lại không mang thương hiệu Việt Nam mà của nước khác. Có tới hơn 90% hàng nông sản Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng sản phẩm thô hay gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài hầu như chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là phần lớn các DN Việt Nam mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa chú trọng tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp DN trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia. Do đó, hơn bao giờ hết các DN phải thay đổi tư duy và các cơ quan Nhà nước cũng cần quan niệm sở hữu trí tuệ là vấn đề toàn cầu. DN cần chủ động dành nguồn lực một cách tương xứng cho chiến lược bảo vệ và phát triển thương hiệu, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Chương trình nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các DN và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, tập trung vào các giải pháp giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu. Giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, đăng ký bảo hộ kịp thời…

Với hơn 90% là DN vừa và nhỏ, cộng đồng DN Việt Nam rất cần nhận được sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời của các cơ quan Nhà nước về thông tin, pháp lý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Vì vậy, đơn vị đầu mối chủ trì Chương trình Thương hiệu quốc gia là Bộ Công Thương cần sớm kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm chọn ra các sản phẩm xuất khẩu thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Mong rằng, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, sự chủ động, đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu của các DN, vị thế và uy tín quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

Tuy nhiên cũng cần khẳng định, Chính phủ không làm thay DN. Chính từng DN cần ý thức việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu trong bối cảnh hội nhập. Đó cũng là tài sản mà DN không được thờ ơ.