Đừng tinh giản cơ học

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2015 đến 30/6/2019, ngành Nội vụ đã thẩm tra và quyết định tinh giản được 41.515 biên chế. Đây là con số được Bộ Nội vụ đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức ngày 16/7.

 Làm thủ tục hành chính tại sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Có thể nói rằng, con số này không hề nhỏ, cho thấy chủ trương sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn đã được đẩy mạnh và tạo hiệu quả tích cực trong thực tế. Nhưng vấn đề được quan tâm nhiều hơn là chất lượng của việc tinh gọn bộ máy, tránh tình trạng chỉ giảm về số lượng, mà chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tinh gọn bộ máy đã và vẫn đang là câu chuyện “nóng” dù quá trình triển khai không hề dễ dàng. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn hàng nghìn đầu mối, giảm một loạt lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản hàng nghìn biên chế. Con số Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy, tính đến tháng 6/2019, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; đã có 54/63 tỉnh thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; có 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế… Tuy nhiên, bộ máy bên trong của một số đơn vị cũng có chiều hướng tăng ở các phân khúc, đặc biệt là số cơ quan chuyên môn. Tình trạng “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia chưa thể chấm dứt hoàn toàn...

Nhiều ý kiến cũng đã chỉ rõ về thực trạng tinh gọn bộ máy hiện nay mới theo cơ học, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, ngành. Số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ chế độ, chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, nâng cao chất lượng.

Để thực sự tạo ra những cú hích trong “cuộc cách mạng” về tinh gọn đầu mối, bộ máy, tránh tình trạng “giảm chỗ nọ phình chỗ kia”, bài học thành công ở một số bộ, ngành, địa phương cũng đã được chỉ ra, để nhân rộng. Trong đó, vấn đề được nhấn mạnh là sau quyết tâm, sau những giải pháp cần phải có sự quyết liệt vào cuộc. Và quan trọng hơn cả, để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, cũng là khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương. Việc có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời" cũng là giải pháp được lưu tâm. Đi kèm với đó là kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà còn là việc thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức… qua đó đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ. Quan điểm được đồng tình là không có vùng cấm đối với bất cứ ai, thậm chí cả lãnh đạo nếu người đó không làm tròn trách nhiệm. Chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm… để những con số tinh giản có ý nghĩa thực tiễn hơn nữa.