Được mùa khoai tây giống vụ Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất khoai tây vụ Đông, giúp người nông dân nâng...

Kinhtedothi - Với mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất khoai tây vụ Đông, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai xây dựng mô hình sản xuất khoai tây vụ Xuân bằng phương pháp làm đất tối thiểu tại huyện Thạch Thất. Thành công của mô hình đã mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp Thủ đô trong việc chủ động được nguồn giống khoai tây chất lượng.
Được mùa khoai tây giống vụ Xuân - Ảnh 1
Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình khoai tây giống vụ Xuân năm 2015 tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.
Nhiều lợi ích

Bà Nguyễn Thị Nga (thôn 1, xã Hương Ngải) vui mừng cho biết, vụ Xuân này, gia đình bà thu hoạch được 1 tấn khoai tây. Với giá bán trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, gia đình bà thu nhập hơn 100 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Có kinh nghiệm trồng khoai tây hơn chục năm  nhưng chưa vụ nào bà Nga lại nhàn rỗi như vụ này. Bởi trồng khoai tây bằng phương pháp mới, bà không phải vất vả chăm sóc. “Trong khi toàn bộ các khâu làm đất, lên luống, vét rãnh, lấp đất đều được làm bằng máy, nhưng dỡ khoai lại dễ dàng làm bằng tay nên gia đình tôi tiết kiệm được đáng kể thời gian và sức lao động” - bà Nga cho biết.

Vụ Xuân 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống quy mô 8ha tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất với sự tham gia của 28 hộ sản xuất. Chia sẻ niềm vui được mùa, ông Phí Đình Tuệ, ở thôn 3 phấn khởi cho hay: “Mừng nhất là trồng khoai tây không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được những ảnh hưởng xấu của thời tiết và dịch bệnh. Sau khi thu hoạch xong, đất còn được tận dụng luân canh trồng đỗ xanh, dưa lê hứa hẹn mang về cho gia đình tôi khoản thu nhập kha khá”.

 Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình sản xuất khoai tây giống vụ Xuân năm nay đã cơ bản đạt được kết quả theo mục đích, yêu cầu đề ra. Năng suất ước đạt 22,7 tấn/ha, lợi nhuận thu được trên 135 triệu đồng/ha, cao hơn 5 lần so với cấy lúa. Đặc biệt, hiệu quả của mô hình đã giúp người nông dân chủ động được nguồn giống khoai tây có chất lượng, thúc đẩy mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ Đông, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Xuân ở những chân đất cấy lúa cao hạn kém hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tận dụng được nguồn rơm rạ dư thừa.

Tiếp tục nhân rộng        

Hiện nay, Hà Nội vẫn phải nhập nguồn giống khoai tây trồng vụ Đông từ nước ngoài, tuy nhiên, do giá giống cao nên người nông dân không mấy mặn mà với việc trồng khoai tây. Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhiều năm trước, do khó khăn về nguồn giống nên TP chưa phát triển được vùng sản xuất khoai tây tập trung nên sản lượng  không đủ đáp ứng cho thị trường, trong khi đó nhu cầu hiện nay rất lớn. Mặt khác, hầu hết các giống khoai tây trước đây do trồng nhiều vụ nên đã thoái hóa, năng suất thấp. Chính vì vậy, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu được đánh giá là kỹ thuật mới vừa dễ làm vừa không phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

 Để mô hình triển khai đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lựa chọn giống khoai tây Maraben của Đức. Đây là giống khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn từ 80 - 90 ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của miền Bắc. Là địa phương được lựa chọn làm điểm trồng khoai tây giống vụ Xuân, huyện Thạch Thất đã hỗ trợ 20% chi phí mua giống cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Bên cạnh đó, huyện đầu tư xây dựng 1 kho lạnh hiện đại với sức chứa 60 tấn ở xã Hương Ngải để bảo quản khoai tây giống cung cấp cho vụ Đông tới.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho biết, từ thành công của mô hình này, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng khoai tây vụ Xuân. Đặc biệt là lựa chọn những địa phương có truyền thống làm vụ Đông. Tuy nhiên, để mô hình đảm bảo được 3 tiêu chí: Chủ động nguồn giống, chất lượng đảm bảo và giá thành ổn định, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của TP, các địa phương cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với cây khoai tây tương tự như đối với cây đậu tương hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần