Đuối nước có thể được ngăn chặn!

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo Vận động chính sách và bàn giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 4/1, ông Joanne Stewart - Giám đốc Swim Vietnam nhận định: Khi trẻ được dạy bơi, kỹ năng sống dưới nước có thể làm giảm tỉ lệ đuối nước đến 90%.

Hầu hết trẻ đuối nước là do không biết bơi

Trong giai đoạn 2010 – 2013, tại Việt Nam có khoảng 3.300 trẻ em và người chưa thành niên từ 0 - 19 tuổi bị tử vong do đuối nước mỗi năm. Tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Vũ Thị Kim Hoa, những năm gần đây, số ca tử vong do tai nạn thương tích có xu hướng giảm, nhưng không nhiều. Tỉ suất đuối nước ở nhóm 0 – 4 tuổi là 12,9/100.000 trẻ, nhóm 5 – 9 tuổi là 11/100.000 - hai nhóm có tỉ suất cao nhất. Tính theo khu vực, trẻ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị, trong đó 55,9% sống trong các hộ gia đình nghèo.

Dạy bơi cho trẻ tại Hà Nội.

Mặc dù đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho nhóm trẻ và vị thành niên nhưng nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Bản thân việc phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước cũng chưa được chú trọng. Nhiều cuộc khảo sát tại Việt Nam cho thấy hầu hết trẻ bị đuối nước là do không biết bơi, nhưng các em lại thường hay chơi đùa gần sông, hồ... Trong khi đó, nhiều gia đình vì bận việc hàng ngày, không cho con học bơi. Và khi việc dạy bơi cho trẻ vẫn đang là thách thức, thì môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Đa số giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn tại các hố nước hoặc không lấp các hố nước sau khi xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm” – bà Hoa nhận định.

Cần sự vào cuộc của địa phương

Hiện nay, Đà Nẵng, Hà Nội, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ dạy bơi bằng nhiều hình thức. Kinh phí địa phương hỗ trợ toàn bộ việc dạy bơi tại các bể bơi trung tâm thể dục thể thao, mua bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo. Các địa phương cũng hỗ trợ kinh phí đào tạo giáo viên dạy bơi, trẻ em được học bơi miễn phí. Tại quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì của Hà Nội, các trường hoặc địa phương ký hợp đồng với các công ty và lắp đặt bể bơi đảm bảo việc vận hành, giáo viên dạy, đội ngũ giám sát bể bơi. Trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ 100% kinh phí học bơi. Các địa phương cũng đầu tư xây dựng bể bơi lắp ghép thông minh với chất liệu đơn giản, giá thành khoảng 100 triệu đồng - thấp hơn nhiều so với xây dựng bể bơi thông thường mà không đòi hỏi mặt bằng. Đặc biệt, sử dụng bộ lọc đạt tiêu chuẩn nên đảm bảo vệ sinh nước, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người học.

Để góp phần giảm tử vong do đuối nước, đảm bảo trẻ được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, Bộ LĐTB&XH đề xuất 9 chính sách hỗ trợ chủ yếu. Trong đó có hỗ trợ trẻ em được dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại cộng đồng, trường học; Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy bơi và các giám sát viên. Bộ LĐTB&XH đặc biệt nhấn mạnh mỗi cụm trường/xã trang bị một bể bơi thông minh kích thước 7m x 15m hoặc tuỳ theo địa phương, hoặc thiết kế các bể bơi tự tạo đảm bảo an toàn cho trẻ. Mỗi lớp dạy bơi có 2 giáo viên trở lên được cấp chứng chỉ dạy bơi và 2 giám sát viên; Giáo trình dạy phù hợp với hoàn cảnh địa phương và thể trạng trẻ... Đồng tình với đề xuất của Bộ LĐTB&XH, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức và hiểu biết về tai nạn đuối nước của trẻ em cũng như sự tham gia của địa phương. Có như vậy mới hy vọng đạt được những mục tiêu Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.