Đường dài tới chuyên nghiệp

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã bước sang mùa chuyên nghiệp thứ 17 nhưng đến giờ, những gì đang có so với cái đích chuyên nghiệp thực sự vẫn còn một khoảng cách quá xa.

Và ngay cả khi có công ty bóng đá chuyên nghiệp (VPF) được 5 năm, V.League vẫn không có nhiều biến chuyển, thậm chí là thụt lùi.
Cuộc đấu giữa VFF và VPF đã đi đến một quyết định mang tính thỏa hiệp, đó là thành lập một bộ phận chuyên phân công trọng tài ở V.League. Việc phân công trọng tài điều khiển các trận đấu chỉ diễn ra khi có được sự thống nhất giữa Ban Trọng tài, Ban tổ chức (BTC) giải và lãnh đạo VPF. Đây được coi là bước đột phá bởi trước nay, việc phân công trọng tài do Ban Trọng tài VFF tiến hành. Người ta cho rằng, công tác phân công trọng tài chính là yếu tố căn bản dẫn đến sự yếu kém của lực lượng trọng tài trong suốt thời gian qua. Thay đổi công tác phân công trọng tài theo hướng cắt bớt quyền lực từ Ban Trọng tài VFF sẽ làm giảm tiêu cực trong bóng đá.
 Trọng tài Nguyễn Trọng Thư (giữa) trong trận TP.HCM thắng Long An 5-2 chiều 19-2
Thực ra, cuộc chiến giành quyền điều khiển đội ngũ trọng tài đã có từ lâu. VPF rất mong muốn có được quyền quyết định ở Ban Trọng tài bởi chính công ty này đang trả tiền thuê các “vua sân cỏ” thông qua tài khoản của VFF. Về phần mình, sau khi phải miễn cưỡng giao quyền tổ chức giải đấu cho VPF, VFF vẫn giữ cho mình quyền điều phối Ban Trọng tài. Rất tiếc cho tổ chức này là thời gian qua, có quá nhiều sự cố liên quan đến trọng tài khiến áp lực từ dư luận là rất lớn. Cuối cùng, trước áp lực tứ phía, VFF đã phải chấp nhận thỏa hiệp trong phân chia quyền lực. Việc điều phối hoạt động của các “vua sân cỏ” được giao cho 4 thành viên, trong đó VPF chiếm đến 3 ghế là Trưởng BTC giải, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch VPF. Phía VFF chỉ có một người có quyền bỏ phiếu là Trưởng hoặc Phó Trưởng ban Trọng tài.

Nhiều người cho rằng, hạn chế quyền lực của Ban Trọng tài và đứng sau là VFF là một chiến thắng vang dội của VPF. Từ nay, VPF sẽ có thêm quyền lực để điều khiển cuộc chơi theo ý của mình. Thế nhưng, đằng sau sự hồ hởi là cái lắc đầu của những chuyên gia bóng đá hiểu luật. Người ta đặt câu hỏi là, với vai trò là công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, VPF phải tuân thủ điều lệ giải và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Mọi quyết định phải dựa theo luật, hoặc VFF, VPF phải sửa luật nếu muốn vượt qua giới hạn cho phép.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ giải quy định quyền điều phối trọng tài thuộc về Ban Trọng tài. Nhưng, với quyết định của mình, VPF được cho là đi ngược lại quy chế hiện hành. Điều này gây phản ứng từ các đội bóng, đặc biệt là những đội bóng vốn không có đại diện ở trong HĐQT VPF. Người ta đặt câu hỏi rằng, sau khi chi phối được hoạt động của Ban Trọng tài, VPF có giữ được sự trung lập của mình hay không. Nên nhớ rằng, có rất nhiều quan chức VPF vốn xuất thân, hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến các đội bóng. Câu hỏi đặt ra, khi bắt các trận đấu có đội của quan chức VPF, các trọng tài có giữ được sự trung lập được không? Họ sẽ đối diện với áp lực làm mất lòng “quan trên” và đó lại là nguy cơ đối với hình ảnh giải đấu.

Vấn đề đặt ra lúc này là tất cả các bên liên quan phải tuân thủ luật. Đội bóng phải chấp hành luật. BTC giải càng phải chấp hành luật. Có như vậy thì sân chơi mới không bị tác động bởi những yếu tố hậu trường. Và đặc biệt là một khi VPF đã xé rào thì rất có thể những đội bóng khác vốn được chống lưng bởi các ông bầu máu mặt sẽ bất chấp nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Đó thực sự là mối nguy cơ với mục tiêu xây dựng thành công nền bóng đá chuyên nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần