"Đường lưỡi bò" lọt vào sách, giáo trình giảng dạy trong trường học: Con voi chui qua lỗ kim

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/3, dư luận xôn xao khi biết tin trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã cho giảng viên và các sinh viên ngành Ngôn ngữ sử dụng giáo trình Nói 6 (Developing Chinese) có in bản đồ “đường lưỡi bò”. Không chỉ thế, phần khung chú thích còn in phóng to “đường lưỡi bò” ghi các từ tiếng Trung “Tây Sa”, “Nam Sa” (tên Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam).

 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Theo giải thích của Phó Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Hà Nội Bùi Thị Ngân, cuốn giáo trình này chỉ được dùng trong nhà trường, hiện có 101 sinh viên đang theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngay khi phát hiện giáo trình tiếng Trung có in hình “đường lưỡi bò”, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thu hồi toàn bộ để tiêu hủy; họp với các khoa ngôn ngữ, các chủ nhiệm khoa để rà soát toàn bộ giáo trình.
Dù lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song nhiều người rất bức xúc và không đồng tình với cách giải thích của đại diện trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Bởi cuốn giáo trình Nói 6 (Developing Chinese) do một giảng viên đi học ở nước ngoài mang về và đưa ra bộ môn lựa chọn để dạy. Đáng nói, đây là năm thứ 2 giáo trình này được đưa vào giảng dạy nhưng không có cán bộ, giảng viên nào của trường phát hiện ra. Chỉ đến khi, trong quá trình học, một sinh viên nhận ra điều bất thường và báo cáo với nhà trường. Từ đây, mọi người đặt ra vấn đề cần phải xem xét, đánh giá lại trình độ nhận thức về chính trị, xã hội, lịch sử, tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc Việt Nam của cán bộ quảy lý, giảng viên có liên quan đến việc này.

Một giáo sư Sử học đau buồn cho rằng, nhiều người cứ nghĩ đơn giản học tiếng Trung Quốc thì mang giáo trình tiếng Trung về dạy cho học sinh, sinh viên là chuẩn. Nhưng việc trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho sử dụng giáo trình có in hình “đường lưỡi bò” cho thấy đã không có sự nhạy cảm về chính trị và đã vi phạm quy định của đất nước Việt Nam. Mặc dù, nhà trường nói đã thu hồi, tiêu hủy cuốn giáo trình Nói 6 (Developing Chinese), nhưng sự việc không chỉ như vậy là xong. Nhà trường phải có trách nhiệm và phải giải trình rõ, khi cuốn giáo trình được giáo viên mang về có được hội đồng thẩm định, phê duyệt chưa mà đã mang vào giảng dạy cho sinh viên? Về nguyên tắc, giáo trình được mang từ nước ngoài về Việt Nam phải được xem xét kỹ lưỡng nội dung có nhạy cảm, đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu cuốn giáo trình không có vấn đề thì được điều chỉnh cho phù hợp thực tế, sau khi Hội đồng thẩm định và phê duyệt mới được thông qua đưa vào giảng dạy.

Về phía trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói rằng, nhà trường đã có một quy trình thẩm định giáo trình trước khi đưa vào giảng dạy. Vậy, quy trình này như thế nào mà để một sự việc lớn như thế mà không ai phát hiện ra? Đúng là “con voi chui lọt qua lỗ kim”. Trong sự việc này, trách nhiệm không chỉ thuộc về giảng viên mang cuốn giáo trình về, mà còn có bộ môn, Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Hội đồng thẩm định, hiệu trưởng nhà trường.

Đây không phải lần đầu tiên "đường lưỡi bò" lọt vào sách, giáo trình giảng dạy trong trường học. Trước đó, cuối năm 2019 giáo trình giảng dạy của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng để lọt thông tin tương tự. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần chấn chỉnh, nhắc nhở. Vậy mà trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn tiếp tục mắc lỗi nghiêm trọng này. Dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT - cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét cụ thể để xử lý nghiêm, tránh để phát sinh những sự việc tương tự.