Đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ: “Trong thời gian sớm nhất” là bao giờ?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến giờ thì dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã được đưa vào giờ giảng dạy cho sinh viên Đại học GTVT.

 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Đây là dự án quốc gia, do chính Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã lập nhiều kỷ lục nhất: Kỷ lục về đội vốn, kỷ lục về kéo dài thời gian thi công và bất ngờ nhất là cho đến nay, không chỉ Ban Quản lý (BQL) dự án mà chính ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chả biết lúc nào sẽ hoàn thành dự án. Một bài học cho các sinh viên giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
PGS Lê Q. của trường Đại học GTVT ngậm ngùi chia sẻ với sinh viên: “Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015; sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019.
Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến tận tháng 6 năm 2020 vẫn chỉ là lời hứa… sẽ sớm hoàn thành”. Sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được coi đã hoàn thành tới 99% khối lượng đã 8 lần lỗi hẹn và chính BQL dự án cũng chán, chả hẹn hò gì nữa.
Ðường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD), trong đó: Vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD). Một con số, đủ làm ngán ngẩm bất cứ nhà quản lý dự án này và đúng là “xót tiền dân” nếu như tránh không muốn nói “quá xót tiền dân”.
Đến nay, dự án đã giải ngân hơn 81,9% nguồn vốn nhưng tổng thầu đề nghị số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Nhưng tổng thầu dự án lại không trả lời, bao giờ thì dự án có thể khai thác thương mại.
Trước đó, vướng mắc do việc đưa nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục triển khai dự án do ảnh hưởng của Covid-19, ngay lập tức Chính phủ Việt Nam đã có Văn bản số 1105 ngày 24.4.2020 chấp thuận chủ trương cho phép các nhân sự làm việc tại dự án được nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật khi dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thì Chủ đầu tư (Bộ GTVT), đại diện Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đường sắt) những người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án không thể vô can. Nhưng đến nay người ta vẫn chưa thấy ai bị kỷ luật.
Điều dư luận Nhân dân bức xúc nhất là Bộ trưởng Bộ GTVT lúc nào cũng báo cáo với Chính phủ và Quốc hội “đang chỉ đạo” xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác “trong thời gian sớm nhất” khi đủ điều kiện. Nhưng thời gian sớm nhất là ngày tháng năm nào thì Bộ trưởng lại né, khất và lảng tránh câu trả lời. Nếu mai này, các BQL dự án ngành giao thông cũng học lãnh đạo Bộ, sẽ hoàn thành các dự án “trong thời gian sớm nhất” thì không biết bức tranh toàn cảnh giao thông Việt Nam sẽ như thế nào?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần