Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vận hành hai giai đoạn: Hoàn toàn khả thi

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã được đề xuất thay đổi sang phương án vận hành hai giai đoạn; đưa vào khai thác, sử dụng trước đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phương án này hoàn toàn khả thi, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực do chậm tiến độ kéo dài.
Quyết định đột phá

Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, dài 12,5km, có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) các ga ngầm S9, 10, 11, 12, dự án đã phải 2 lần hoãn tiến độ; mốc cuối cùng dự kiến hoàn thành toàn tuyến là năm 2022. Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao từng ngày, tình trạng UTGT tại cửa ngõ phía Tây Thủ đô trở nên trầm trọng, bức thiết đòi hỏi phải sớm đưa vào vận hành, khai thác mạng lưới ĐSĐT nói chung và tuyến số 3 nói riêng.
 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Căn cứ trên tình hình triển khai thực tế của dự án và các khó khăn, vướng mắc, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã yêu cầu tư vấn Systra nghiên cứu phương án điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, theo hướng vận hành hai giai đoạn. Cụ thể, sẽ đưa vào vận hành trước đoạn tuyến trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) vào năm 2020; tiếp tục hoàn thiện và khai thác toàn tuyến với 4 ga ngầm còn lại vào năm 2022 như dự kiến. Thạc sĩ giao thông đô thị Nguyễn Đình Chiển nhận định: “Đây là quyết định đúng đắn và có tính đột phá, có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến Dự án”. Ông Chiển phân tích, hiện đoạn tuyến trên cao với 8 ga đi nổi đã gần như hoàn thành, hoàn toàn có thể khai thác thương mại trước, giải quyết vấn đề giao thông cho khu vực. Bên cạnh đó, việc chờ đợi GPMB, đặc biệt là thi công các ga ngầm sẽ mất vài năm. Nếu cả dự án phải chờ 4 ga ngầm thì sẽ tiếp tục chậm tiến độ, phát sinh thêm nhiều hệ luỵ cho Hà Nội.

Giám đốc dự án - Tư vấn Systra Philippe Blancho cũng khẳng định, theo nghiên cứu, phương án vận hành trước đoạn trên cao sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Đẩy nhanh được tiến độ thi công phần trên cao, giảm thời gian và chi phí phát sinh do nằm chờ đoạn đi ngầm; có nguồn thu do vận hành trước đoạn trên cao, ít nhất là 2 năm. Và quan trọng nhất là đoạn tuyến ĐSĐT Nhổn - ga S8 đi vào vận hành sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng UTGT, đồng thời mang lại những nhìn nhận tích cực hơn của người dân đối với dự án.

Đảm bảo các điều kiện kỹ thuật

Lãnh đạo MRB cho hay, hiện Ban và các đơn vị liên quan đang chuẩn bị tất cả các điều kiện kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo tính khả thi, an toàn cho việc đưa vào vận hành trước đoạn tuyến trên cao của ĐSĐT số 3. Khu vực ga S8 được sử dụng như điểm đầu cuối, sẽ cần có thay đổi ghi đơn trước ga thành ghi đôi để đảm bảo khả năng vận hành của đoạn trên cao, trong trường hợp vận hành bình thường và khi gặp sự cố. Một bộ ghi chéo (chữ X) sẽ được lắp đặt bằng nguồn vốn dự phòng của gói thầu, nhằm phục vụ chạy tàu mà không làm phát sinh tổng mức đầu tư. Bộ ghi này vẫn sẽ được sử dụng như ghi đảo chiều, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi dự án hoàn thành toàn tuyến.

Hệ thống điện và tín hiệu được ngắt ngay sau ga S8 để đảm bảo vận hành đoạn trên cao, an toàn thi công cho đoạn ngầm. Hệ thống phần mềm điều khiển, kết nối tín hiệu sẽ được lập cho việc vận hành đoạn trên cao trước, sau đó, sẽ được cập nhật cho toàn tuyến khi vận hành toàn tuyến. Theo xác nhận của tư vấn Systra, việc cập nhật phần mềm khi chạy toàn tuyến là dễ dàng và nhanh chóng.

Hiện lực lượng nhân sự của dự án cũng đã được chuẩn bị, đào tạo với đầy đủ các nội dung về: Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và an toàn. Kế hoạch đào tạo sẽ thực hiện theo tiến độ của dự án và hoàn thành trước khi chạy thử một tháng. Cuối tháng 9 vừa qua, MRB cũng đã công bố kết quả khảo sát, lấy ý kiến người dân về mẫu thiết kế tàu ĐSĐT tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Dự kiến, cuối năm 2020, tối thiểu 7 đoàn tàu sẽ về đến Hà Nội để phục vụ vận hành, khai thác.

Bên cạnh đó, nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo phương án khai thác trước đoạn trên cao vào tháng 12/2020, đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương. UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4255/UBND - KH&ĐT ngày 14/9/2018 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chủ trương đầu tư dự án, trong đó có việc gia hạn thời gian thực hiện theo phương án vận hành hai giai đoạn. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nội dung nêu trên, UBND TP sẽ chính thức ra Quyết định phê duyệt nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo hai giai đoạn.

Theo đề xuất, gói thầu cầu cạn (CP1) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018; Gói thầu các nhà ga trên cao (CP2) và Depot (CP5) dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2020. Phần trên cao dự kiến có thể hoàn thành lắp đặt thiết bị và chạy thử vào quý II/2020; khai thác thương mại vào tháng 12/2020. Phần ngầm dự kiến khai thác thương mại vào quý IV/2022.

Nếu được phê duyệt điều chỉnh, MRB sẽ phối hợp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xây dựng kế hoạch chi tiết, để tổ chức nghiệm thu kịp thời các hạng mục công trình theo từng giai đoạn, đảm bảo tiến độ hoàn thành chung của dự án; trong đó có việc hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao trước 31/12/2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần