Đường sắt lạc hậu do nhận thức chưa đồng nhất với hành động

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông trong buổi tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào chiều 25/9.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm, ngoài Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông còn có ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam; ông Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng; ông  Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành và các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.
Nhận thức đúng nhưng đầu tư chưa tương xứng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đường sắt là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong ngành kinh tế chung chứ không phải kết cấu hạ tầng trong ngành GTVT. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đường sắt nước ta đã cũ kỹ, lạc hâu và xuống cấp nhiều.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về ngành đường sắt và hành động chưa đồng nhất. Nhận thức về vai trò của lĩnh vực đường sắt là rất đúng nhưng đầu tư cho lĩnh vực này lại chưa hề tương xứng.
“Việc xuống cấp của cầu đường đang rất hiện hữu, không có điểm kết nối với các trung tâm các luồng hàng, tác động đến thị trường vận tải kém” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đường sắt đang chưa được đầu tư đúng mức.
Ngoài hạn chế trong công tác đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, việc quản lý trong lĩnh vực đường sắt trong thời gian qua cũng có nhiều xáo trộn, điều này gây ảnh hưởng cho việc phát triển của ngành. “Trước đây, có thể quản lý cả hạ tầng GTVT nhưng giờ đang cố gắng tách phần vận tải và hạ tầng riêng ra nhưng chưa thực hiện dứt điểm” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phân tích.
Từ những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, muốn đường sắt phát triển cần phải có sự đầu tư đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả. Vấn đề của ngành đường sắt là cần vốn đầu tư rất lớn. Đây chính là trở ngại khi kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực này bởi tâm lý sợ khó thu hồi vốn sau khi đã bỏ ra một nguồn tiền lớn để đầu tư.
“Các nước trên thế giới chỉ xã hội hóa ở mạng vận tải là phương tiện, tàu máy và khai thác, còn hạ tầng thì nhà nước đầu tư nhưng có cơ chế cho doanh nghiệp, tư nhân thuê hoặc nhượng quyền khai thác hạ tầng để đưa vào kinh doanh, đưa vào khai thác, có thể đầu tư trong giai đoạn nhượng quyền đó” - ông Đông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (giữa) phát biểu tại buổi tọa đàm.
Đầu tư đường sắt cần chiến lược dài hơi
Trả lời câu hỏi về thực trạng phát triển hệ thống đường sắt hiện nay, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, cách đây 130 năm, khi hệ thống đường sắt nước ta được hình thành và đưa vào sử dụng thì đây là hệ thống đường sắt tiên tiến nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay đường sắt của nước ta lại đang rơi vào tình trạng xuống cấp và lạc hậu. Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, vấn đề chính của ngành đường sắt vẫn là chưa được đầu tư đúng mức.
“Đường sắt không thể đầu tư như đường bộ, đầu tư từng phần được mà phải đồng bộ” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói và khẳng định, đầu tư phát triển đường sắt cần có sự đồng bộ với các lĩnh vực giao thông khác như hệ thống cảng biển, cảng sông, đường bộ.
“Chúng ta đang bàn câu chuyện này ở thời điểm khi mà Luật Đường sắt đã thực hiện được hơn 1 năm và tạo ra những biến động tích cực khởi sắt. Trong đó một điều hết sức quan trọng, Nhà nước khẳng định trong Luật là ưu tiên đầu tư, nhưng chờ tinh thần ấy đi vào đời sống thì không đơn giản, nếu chúng ta không thay đổi tư duy, suy nghĩ” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khẳng định.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi tọa đàm.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đầu tư cho đường sắt thông thường đắt gấp 3 - 4 lần so với đường bộ. Đường sắt tốc độ cao đắt gấp 4 lần đường bộ cao tốc. Do đó, cần nguồn lực cao hơn. Điều này đòi hỏi công tác đầu tư cho lĩnh vực đường sắt cần phải tính cả một lộ trình dài của nguồn lực đầu tư, không thể dựa vào cơ cấu mà tỉ trọng vận tải đường sắt đang chiếm, hoặc tương lai đang chiếm là bao nhiêu để đầu tư nguồn lực vào.
“Đối với việc huy động nguồn lực, về khai thác nhà ga, chúng ta đang vướng mắc việc giao nhà ga cho nhà khai thác cảng nhưng chúng ta không liên thông giữa nhà băng, sân đỗ và nhà ga. Chúng ta đang nhầm giữa đầu tư và sở hữu; chưa đồng bộ về cơ chế trong việc thu hút; quản lý về đất đai còn hạn chế” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
“Chúng ta nên nhìn nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ là xây dựng nhà ga như trung tâm thương mại. Bởi dù là trung tâm thương mại thì mục đích chính đó là phục vụ khách hàng chứ không phải là người dân xung quanh đó” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.