Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội: Đoạn ngầm vẫn vướng giải phóng mặt bằng

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà thầu Hyundai E & C -Ghella đã huy động toàn lực, tập trung thi công các ga ngầm: S9, S10, S11 và S12, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội. Tuy nhiên, Giám đốc xây dựng của Dự án Jeon Yongjin cho biết, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) có thể làm chậm tiến độ công trình.

Nhà thầu đã huy động toàn lực để thi công đoạn ngầm tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội.
Đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội thông tin, hiện các ga ngầm S9 (Kim Mã); S10 (Cát Linh), S11 (Văn Miếu), S12 (Trần Hưng Đạo) đều đang đạt tiến độ khả quan. Trong đó hai ga: S9, S10 đã bàn giao đủ mặt bằng sạch cho nhà thầu để mở công trường thi công. Ga S9 đã đạt 51,7% khối lượng xây dựng. Đặc biệt, hai máy đào ngầm TBM đã đưa về đến công trường, lắp đặt xong một máy, chuẩn bị vận hành vào tháng 4 tới; máy còn lại dự kiến khởi động sau 3 tháng.
Các ga S10, S11 hiện đạt 22% khối lượng, ga S12 đạt 11%; tổng thể đoạn ngầm đã đạt 27% khối lượng xây dựng. Theo dự kiến, tất cả các ga ngầm nêu trên sẽ hoàn thành trong năm 2022, chuẩn bị kết nối toàn tuyến. Riêng đoạn trên cao từ ga S1 - S8 vẫn đang đảm bảo tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành trong quý IV/2021. Đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chia sẻ: “Do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, tiến độ chung của toàn dự án chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang nỗ lực bám sát kế hoạch, nếu các vấn đề khách quan được giải quyết tốt sẽ đảm bảo tiến độ chung đề ra”.

Tuy nhiên, ông Jeon Yongjin - Giám đốc xây dựng của Liên danh nhà thầu Hyundai E & C - Ghella lại bày tỏ lo ngại về tiến độ của đoạn ngầm từ ga S9 - S12. Ông Jeon Yongjin cho hay, hiện các ga: S11, S12 chỉ còn vướng mắc khoảng 5% mặt bằng nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Ví dụ, ga S11 hiện chỉ còn vướng 2 căn nhà chưa GPMB được nhưng nếu không có mặt bằng sạch sẽ không thể thi công sàn ke ga, dẫn đến đứt đoạn lộ trình đào thẳng của máy TBM. “Hiện Liên danh đã huy động toàn bộ nguồn lực tập trung thi công các ga ngầm của tuyến ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội. Nếu phải ngừng thi công chờ mặt bằng, tất nhiên sẽ phát sinh thêm chi phí cho máy móc, nhân công, có thể khiến dự án đội vốn” - ông Jeon Yongjin cho hay.

Vị đại diện Liên danh nhà thầu Hyundai E & C - Ghella thông tin thêm, theo tiến độ ban đầu, năm 2017, chủ đầu tư - Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã phải bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch các ga ngầm để thi công nhưng đến nay vẫn còn có vướng mắc nên chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi. Ông Jeon Yongjin thông tin thêm: “Thời gian qua, chủ đầu tư đã cực kỳ nỗ lực, bám sát, giải quyết rốt ráo phần lớn các vướng mắc để bàn giao mặt bằng sạch cho chúng tôi. Nhờ vậy tiến độ đoạn ngầm trong khoảng 3 năm qua đã được đẩy lên rất nhanh. Chúng tôi hy vọng phần tồn tại nhỏ còn lại sẽ được chủ đầu tư phối hợp với chính quyền TP giải quyết sớm nhất”.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết đang rất lo lắng về tiến độ cũng như nguy cơ phát sinh thêm chi phí gián tiếp của dự án. “Hiện các nhà thầu đã tập trung lực lượng về công trường. Thiếu mặt bằng, không thi công được, máy móc, nhân sự để không nhưng chúng ta vẫn phải chịu chi phí, đó là thiệt hại rất lớn. Đặc biệt là nguy cơ chậm tiến độ, chậm vận hành, khai thác đoạn tuyến đi ngầm của dự án”.