EU và những thách thức ở tuổi 60

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cuối tuần qua trong bối cảnh Lục địa già đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng và chịu sức ép mang tính “sống còn”.

Lãnh đạo 27 nước thành viên gặp mặt trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/3.

Dù các nhà lãnh đạo EU đã ký Tuyên bố Rome 2017, trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, nhưng một số nhà phân tích đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị này chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU - còn gọi là Brexit vào ngày 29/3.

Việc hàng chục nghìn người thuộc xu hướng ủng hộ và chống EU đã xuống đường tuần hành tại TP Rome cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bầu không khí của Hội nghị. Những người biểu tình mong muốn EU cần cải tổ bộ máy hành chính để hoạt động hiệu quả và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề của người dân trong khối này. Điều đó cho thấy, có quá nhiều khác biệt trong lòng người dân châu Âu về “mái nhà chung”. Trong khi những người tầng lớp tinh hoa luôn tin rằng, cần phải có một tổ chức chung như EU - tổ chức đóng vai trò quan trọng trong 60 năm qua tại châu Âu, thì tầng lớp trung lưu lại cho rằng, việc áp dụng các chính sách của EU chưa sát với thực tiễn, không mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, giới chức EU cũng thừa nhận một thực tế Lục địa già đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, chủ nghĩa bảo hộ cho đến những bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Điều này được thể hiện ngay trong chính quá trình diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, khi phải tới phút chót, đại diện Ba Lan và Hy Lạp mới chấp nhận ký vào bản Tuyên bố Rome.

Trước đó, đại diện Hy Lạp đã tuyên bố không ký vào Tuyên bố Rome trừ khi có sự nhượng bộ đối với một số vấn đề, bao gồm việc nhập cư và chính sách thắt lưng buộc bụng. Đặc biệt là những “bế tắc” khó giải quyết nhằm mở đường cho Athens nhận khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro. Sự bất mãn từ Ba Lan và Hy Lạp cho thấy những bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước. Nhất là trong bối cảnh lãnh đạo EU chưa thể đưa ra hành động nhằm giải quyết sự sụt giảm của đồng tiền chung Euro, cũng như các vấn đề nhập cư và an ninh biên giới. 

Đặc biệt, Hội nghị vẫn chưa quyết định được nên theo đuổi kịch bản nào trong số 5 kịch bản được nêu trong Sách trắng EU công bố mới đây cho thấy các nước thành viên vẫn chưa thể tìm ra được cách thức để tiếp tục chung sống thịnh vượng, thống nhất dưới "mái nhà chung". Điều này khiến giới quan sát không khỏi lo ngại, tiến trình Brexit sẽ tạo nên hiệu ứng domino với sự ra đi của Hà Lan (Nexit), Đan Mạch (Dexit) hay Pháp (Frexit).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần