EuroCham quan ngại khi bình ổn giá sữa

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Công Thương, TS. Gellért Horváth - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Theo TS. Gellért Horváth, thông qua hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, nhân viên y tế, và ngành dinh dưỡng nói chung, các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG) của EuroCham đã có nhiều đóng góp đáng kể vào công cuộc cải thiện, nâng cao thể lực và tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2002 - 2015, tỷ lệ trẻ em mắc suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm từ 26,6% xuống còn 14,1%. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức mà EuroCham đã đề cập trong Sách trắng 2017.
TS. Gellért Horváth - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ tại hội thỏa. Ảnh: Khắc Kiên
Cũng theo các số liệu thống kê mới nhất của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, hiện Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó số lượng trẻ em bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cũng còn ở mức cao.

Những thách thức này đồng thời diễn ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều trở ngại đối với các DN hoạt động trong ngành sữa và dinh dưỡng, trong đó có các thành viên NFG. Một số biện pháp chính sách của Nhà nước Việt Nam, trong đó có biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã gây ra nhiều khó khăn cho DN. TS. Gellért Horváth chỉ ra, việc Nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa đã đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang ở trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại, ví dụ như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).

Trong khi đó, thị trường các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện hết sức cạnh tranh. Hiện trên thị trường có hơn 900 sản phẩm khác nhau, chia thành 3 phân khúc khác nhau (cao cấp, trung bình và bình dân), đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo báo cáo không công khai của Công ty AC Nielsen, vào tháng 7/2015, giá sữa trung bình ở phân khúc cao cấp tại Việt Nam tương đồng với giá sữa cao cấp tại các quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế và đặc tính thị trường tương đương như Malaysia, Thái Lan và Phillipines với mức độ khác biệt chỉ là 1%. Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều khoản chi phí đã tăng, trong đó có tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... “Nếu ngành sữa bị chi phối bởi chính sách bình ổn giá sẽ không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn nói chung” - vị này nhấn mạnh. Đồng thời khuyến nghị, do Dự thảo mới được công bố, EuroCham vẫn đang nghiên cứu và có một số quan ngại ban đầu đối với 4 nội dung. Thứ nhất, cơ chế phê duyệt đối với thủ tục kê khai giá, hiện rất giống với thủ tục đăng ký giá. Thứ hai, cơ chế thông báo giá. Thứ ba, giá bán lẻ khuyến nghị và mối liên hệ với các loại giá áp dụng trong thủ tục kê khai giá và đăng ký giá. Thứ tư, thủ tục và phạm vi công bố thông tin về hệ thống phân phối.

EuroCham hoạt động tại Việt Nam hướng tới mục tiêu hỗ trợ cộng đồng DN và Chính phủ để cùng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài. Ngày 2/3 EuroCham đã tổ chức sự kiện ra mắt ấn phẩm Sách trắng phiên bản số 9 bao gồm các kiến nghị về đầu tư, thương mại.