EVFTA - cơ hội vàng giữa thách thức Covid-19

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội cho DN Việt Nam bước vào thị trường EU rộng lớn. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi DN phải vượt qua để tận hưởng hết những lợi thế mà hiệp định mang lại.

Thị trường rộng lớn
Sau 10 năm đàm phán, ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn EVFTA và IPA, dự kiến vào những ngày đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 4/2020 Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua EVFTA, tạo cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Chiến Công
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho DN đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần xây dựng môi trường pháp lý, đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, thị trường EU quy mô 18.000 tỷ USD nhưng hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi XK vào thị trường này.
Nhìn nhận từ góc độ ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu rõ, khi EVFTA có hiệu lực, thuế các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào EU sẽ giảm đáng kể, là cơ hội tăng sức cạnh tranh cho DN. “EU là thị trường lớn với lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi kim ngạch XK nông sản sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Điều đó cho thấy, sản phẩm nông sản Việt Nam còn nhiều dư địa XK sang EU và là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam chuyển mình cả về số lượng, chất lượng” - ông Tuấn nhận định.
Thách thức song hành
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của EVFTA rất chặt chẽ, các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải sử dụng nguyên liệu và được sản xuất tại Việt Nam hoặc EU. Trong khi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng XK Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN... chưa có hiệp định FTA với EU. Thêm vào đó là các yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.
Theo thành viên Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM), FlorianJ Beranek, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.
Vì vậy, muốn tận dụng những lợi thế mà EVFTA mang lại, đòi hỏi DN và các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cần sớm tìm ra những yếu kém đang gặp phải, từ đó xây dựng giải pháp khắc phục. Ngoài ra, DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng dài hạn, bền vững. Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU và thế giới trong bối cảnh mới.

"Việc tách hiệp định ban đầu ra thành 2 hiệp định mới hoàn toàn không phải thao tác kỹ thuật thông thường mà giữa hai hiệp định có mối ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Ví dụ, nhà đầu tư muốn mở nhà máy ở Việt Nam thì điều kiện gia nhập thị trường được dẫn chiếu theo EVFTA, còn những điều khoản khác liên quan đến đầu tư lại điều chỉnh theo IPA" - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Lương Hoàng Thái


"Khi EVFTA có hiệu lực thực thi, EU sẽ giảm 85% dòng thuế hàng hóa Việt Nam trong năm đầu tiên, sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm. Đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận sâu hơn thị trường EU" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh