EVFTA - sân chơi mới cho các làng nghề

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm làng nghề chinh phục thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sân chơi mới này cũng sẽ song hành nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải nhanh nhạy đổi mới để sẵn sàng thích ứng.

Cơ hội song hành thách thức
Cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm, đóng góp không nhỏ vào kinh tế chung của cả nước. Đặc biệt mới đây, Hiệp định EVFTA được thông qua đã mở ra nhiều cơ hội cho khu vực này. Cụ thể, các sản phẩm làng nghề đều nằm trong diện được miễn thuế ngay.
 Sản xuất gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh chia sẻ, việc được miễn thuế ngay sẽ giúp các làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Cùng với đó, chính những đối tác nước ngoài sẽ mang theo ý tưởng thiết kế, quy trình sản xuất của nước ngoài để đặt hàng DN trong nước, tạo cơ hội lớn để các DN làng nghề phát triển dòng sản phẩm phù hợp thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhận định, khu vực EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có một trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng handmade. Do đó, việc phát triển các sản phẩm mang tính chất truyền thống sẽ là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà Hiệp định mang lại sẽ đi kèm nhiều thách thức. Khi thị trường mở cửa, sẽ có sản phẩm làng nghề của EU vào Việt Nam với giá cả hợp lý và chất lượng cao, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt. Trong khi sản phẩm làng nghề trong nước thiếu tính đồng loạt, đặc biệt là các sản phẩm handmande.

Mặt khác, các sản phẩm làng nghề thường gắn với văn hóa của đất nước. Du khách châu Âu mong muốn mua sản phẩm mang dấu ấn văn hóa của quốc gia và nghiêng nhiều về văn hóa dân gian. Tuy nhiên, nhóm ngành hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ hiện nay mẫu mã vẫn còn đơn điệu, chứa yếu tố tâm linh đạo Phật, điều này khiến sản phẩm rất khó tiếp cận người tiêu dùng EU.

Để không thua trên sân nhà

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải, để khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, người sản xuất cần thay đổi nhận thức, tiếp cận thị trường, đổi mới sản xuất. Các DN, làng nghề cần không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chung nhận định này, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn chỉ ra rằng, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được đánh giá là những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA. Lý do bởi châu Âu là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó việc tăng cường bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là nhu cầu cấp thiết của họ. Châu Âu cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ đặc thù này.
Theo ông Sơn, các DN, làng nghề cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu, nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. 

"Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của DN sang thị trường EU cao hơn những năm trước. Chỉ riêng trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của DN đã bằng hơn một nửa của cả năm 2019." - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần