EVFTA thúc đẩy cải cách

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe máy với động cơ dung tích trên 150cc sẽ được miễn thuế sau 7 năm, ô tô sau 10 năm; Toàn bộ hàng nguyên liệu dệt may EU xuất khẩu vào Việt Nam sẽ được miễn thuế, gần 70% các mặt hàng hóa chất chịu thuế 0%...

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế. Để có bước đi phù hợp, trách nhiệm trong thời gian tới phụ thuộc vào cả hai phía, Nhà nước cần có quá trình hoàn thiện thể chế chính sách phát triển DN, trong khi DN cũng cần chủ động nắm bắt thông tin từ việc mở rộng thị trường.

Thực tế, EVFTA đã tạo ra những tác động lớn tới pháp luật và thể chế chính sách. Trong đó có các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Kết quả nghiên cứu sơ bộ gần đây cho thấy, các quy định của hải quan chưa hoàn toàn thỏa mãn các cam kết trong EVFTA, bao gồm 3 nhóm cam kết: Áp dụng các kỹ thuật hải quan hiện đại để đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho việc thông quan và xuất hàng hóa, lệ phí hải quan và các khoản phí. Tuy nhiên, còn khá nhiều bất cập trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Đó là sự chồng chéo trong danh mục hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành dẫn đến một mặt hàng phải thực hiện đồng thời nhiều thủ tục nên khó khăn, mất thời gian, tốn chi phí, chưa kể việc nhiều cơ quan tham gia quản lý khiến thời gian kéo dài và dẫn đến cảnh đổ lỗi cho nhau. Một lô hàng nhập khẩu phải đi tới cơ quan quản lý chuyên ngành đến 6 lần. Đi 2 lần mới lấy được tờ giấy đăng ký, rồi đi nộp sau 24 giờ mới đến lấy về. Thêm 2 lần đi kiểm nghiệm. Có kết quả kiểm nghiệm quay lại Sở Công Thương nộp, chờ 3 ngày sau mới lấy kết quả. Trong thời buổi điện tử hóa thông tin, cạnh tranh khốc liệt mà chỉ tờ giấy đăng ký đã bắt DN chạy đi chạy lại mấy lần. Đây phải được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều rào cản nhất trên môi trường đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần