EVN cơ bản hoàn thành thoái vốn tại doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/1, theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kết thúc năm 2018, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành thoái vốn và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thành viên.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của EVN.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: EVN cần tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước chủ đạo, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Sắp xếp tổ chức
Theo đó, về thoái vốn, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức, thu về 77,51 tỷ đồng và thặng dư vốn 31,56 tỷ đồng; đang tiếp tục thực hiện các thủ tục thoái vốn tại Công ty EVN Finance (7,5% VĐL); Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty CP Phong điện Thuận Bình; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Với cổ phần hóa, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) và đã chính thức hoạt động theo mô hình Công ty CP từ 1/10/2018. Đối với các Tổng công ty Phát điện 1 và 2 (GENCO1&2), EVN cho biết, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa như kiến nghị của EVN.
Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, Tập đoàn đã cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt, sản lượng điện thương phẩm vượt kế hoạch được giao; chất lượng phục vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tốt, chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục có bước đột phá góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu tổn thất điện năng, năng suất lao động, độ tin cậy cung cấp điện...
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, trong năm qua, Tập đoàn đã nỗ lực tái cơ cấu quản trị, đổi mới doanh nghiệp. Tập đoàn đã phê duyệt/thông qua Điều lệ/Quy chế tổ chức và hoạt động các Tổng công ty, các Ban Quản lý dự án thuộc EVN; Tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản lý, bộ máy điều hành theo hướng thống nhất trong đơn vị, gắn kết với xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, trình Ủy ban quản lý vốn thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn; hoàn thành sửa đổi bổ sung và ban hành mới hệ thống quy chế quản lý nội bộ của EVN; trong đó ban hành Quy chế Quản trị thực hiện trong toàn Tập đoàn.
Trong nội bộ EVN, Tập đoàn đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý dự án thuộc EVN; Thành lập các đơn vị phát điện và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa thuộc EVN để tách bạch về tổ chức bộ phận sửa chữavới bộ phận vận hành các nhà máy điện thuộc EVN. Tập đoàn cũng đã hoàn thành Đề án đơn giản hóa công tác báo cáo; trong đó các báo cáo bằng bản giấy đã giảm 96% về chủng loại và 93% số lượng; Hoàn thành Cổng thông tin điện tử EVNPortal và thực hiện báo cáo trực tuyến từ 1/1/2019; Hoàn thành trục liên thông văn bản trực tuyến trong toàn Tập đoàn; Hoàn thành cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện điện tử trong năm 2019.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tài Anh cũng cho rằng, việc cổ phần hóa và thoái vốn vẫn chưa đáp ứng mục tiêu kế hoạch đề ra, do trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: các nội dung trong quá trình cổ phần hóa kéo dài (phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định tài sản loại ra, xử lý tài chính, công bố GTDN, lựa chọn tư vấn, kiểm toán nhà nước...).
Ngoài ra, việc tìm kiếm và thu hút nhà đầu tư chiến lược còn nhiều khó khăn; Một số qui định, hướng dẫn thực hiện chưa rõ và thiếu đồng bộ, chưa có quy định; thời gian xem xét, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền chặt chẽ, cần nhiều thời gian…
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo EVN chủ trì Hội nghị.
Đẩy nhanh tiến độ
Vị đại diện lãnh đạo EVN cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phê duyệt danh mục và lộ trình thoái vốn của EVN tại các doanh nghiệp đã được EVN báo cáo tại công văn số 424/EVN-HĐTV ngày 25/10/2018 sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận. Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Ủy ban thông qua phương án và lộ trình thoái vốn của EVN tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh - Công ty CP và Công ty CP Phong điện Thuận Bình đã được EVN báo cáo Ủy ban.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, năm 2019, Tập đoàn sẽ tách khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện, tách khâu dịch vụ sửa chữa và khâu quản lý vận hành, sắp xếp các Công ty Điện lực, sắp xếp lại các truyền tải điện khu vực... Đẩy nhanh thực hiện cổ phần hóa các GENCO theo kế hoạch; trong đó, đối với GENCO2, EVN trình Ủy ban quản lý vốn quyết định cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; xây dựng phương án cổ phần hóa, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Đối với GENCO1, EVN hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất; Chuyển giao Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng từ EVN cho GENCO 1 sau khi được Thủ tướng chấp thuận... EVN sẽ tiếp tục thoái vốn tại các Công ty cổ phần; trong đó, Tập đoàn hoàn thành thoái vốn còn lại tại EVNFinance (7,5% VĐL), Thiết bị điện Đông Anh, Phong điện Thuận Bình, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 và 4...

Trước hội nghị tổng kết, EVN công bố vào trao Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho ông Trần Đình Nhân. Ông Trần Đình Nhân sinh năm 1963; quê quán huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam...

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký Quyết định số 369/QĐ-EVN ngày 28/12/2018 bổ nhiệm ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký (28/12/2018). 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần