EVN gặp khó trong đảm bảo nguồn cung điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến tháng 5 - 6/2019, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về tiếp tục kém tại các hồ khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó trong việc tính toán đảm bảo cung ứng điện.

Thông tin tại cuộc họp sáng 17/5, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) Vũ Xuân Khu cho biết, hiện nay nhiều hồ không có khả năng đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du; các hồ đạt tần suất 65%, không đủ cung cấp nước hạ du đến cuối mùa khô như Hàm Thuận, A Vương, Đăk My 4A, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 2...
Quang cảnh cuộc họp
Theo báo cáo từ A0, dự kiến tháng 5 - 6/2019, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5 - 6 tiếp tục kém tại các khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tháng còn lại, lưu lượng nước về tần suất chỉ khoảng 70%; khả năng cung cấp than/khí không đảm bảo nhu cầu huy động...
Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải thông tin thêm, trong quá trình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt trong tháng 4 vừa qua, do thời tiết nắng nóng. Thêm vào đó, tình hình nguồn nước về các hồ thủy điện miền Trung và Nam thấp, nhiều hồ tại miền Nam đã gần về mực nước chết... Do vậy, Tập đoàn gặp khó trong việc tính toán đảm bảo cung ứng điện.
“Trong khi đó, thời gian tới, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao hơn 10%, chủ yếu tập trung ở miền Bắc do thời tiết nắng nóng thay đổi. Hiện nay, thủy điện dấu hiệu nước chưa thấy có nước về, ngoài ra, khó khăn về nhiên liệu cũng rất lớn, nguồn khí hiện đã suy giảm lớn. Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn phát điện, mỗi năm cần thêm khoảng 3.500 - 4.000MW đưa vào hệ thống, như vậy giai đoạn 2019 - 2020 cần khoảng 10.000 MW công suất điện đưa vào nhưng 2 năm tới, chỉ dự kiến đưa vào 2.000 - 2.500 MW, năng lượng tái tạo dự kiến 4.000 MW. Điều này gây khó cho việc đảm bảo điện của Tập đoàn” - ông Hải cho hay.
Công nhân kiểm tra soi nhiệt độ và các điểm tiếp xúc điện tại Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Hiện tại, EVN đang thực hiện thử nghiệm và đưa vào vận hành nhiều dự án điện mặt trời, tuy nhiên cũng đang gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, hiện EVN đã huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu với giá cao.
Ông Ngô Sơn Hải cho hay, thời gian tới, Tập đoan tập trung giám sát chặt chẽ vận hành hệ thống điện, tăng độ tin cậy, bám sát lưu lượng nước về các hồ chứa nước, đồng thời nghiên cứu bổ sung than cho phát điện. Hiện trong nước cung ứng khoảng 43 triệu tấn, còn lại thì phải nhập 12 triệu tấn than để cấp điện cho các nhà máy điện than.
Riêng với điện mặt trời, về lưới truyền tải, EVN sẽ đẩy nhanh đưa vào hoạt động các dự án lưới. Hiện, một dự án năng lượng mặt trời để đưa vào hoạt động mất khoảng 1 - 1,5 năm, nhưng lưới điện từ khâu xây dựng, giải tỏa... mất khoảng 3 - 4 năm. Về vấn đề này, EVN đã chủ động tính toán hệ thống, đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch, để thực hiện giải tỏa nguồn cho điện mặt trời.