EVN HANOI hoàn thành mục tiêu đầu tư cho lưới điện miền núi, vùng sâu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực này, vào tháng 11/2012, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt “Kế hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội giai đoạn 2013-2015”.

Theo đó, sẽ triển khai đầu tư 186 dự án tập trung trên địa bàn 13 xã và 1 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lĩnh vực cấp điện. Nhiệm vụ được giao cho ngành điện Hà Nội là đầu tư hệ thống cấp điện cho khu vực tập trung các hộ dân chưa có điện sinh hoạt được sử dụng điện đúng mức giá của ngành điện. Toàn bộ các dự án liên quan đến điện có tổng mức đầu tư dự kiến là 101 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, nhằm triển khai kế hoạch của thành phố, EVN Hà Nội đã tập trung ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô. Theo đó, trong giai đoạn năm 2013-2014, tổng công ty đã xây dựng mới 16 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 3.350 kVA; Nâng công suất 9 TBA với tổng công suất tăng thêm 785kVA; Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện hạ thế tại thôn Đồng Ké, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã Đông Xuân, Phú Mãn, Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), xã Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng (huyện Ba Vì), xã An Phú (huyện Mỹ Đức). Tổng giá trị đầu tư toàn bộ dự án trong giai đoạn này là 107,768 tỷ đồng, vượt dự toán 6,768 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội là 71,608 tỷ đồng, vốn đối ứng của EVN Hà Nội là 36,161 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm này, quy mô hệ thống điện tại vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội đã có 152 TBA với tổng công suất 32.740kVA, bình quân 1,16 kVA/hộ. Tỷ lệ hộ dân có điện sinh hoạt đạt 100%, đặc biệt tất cả các hộ dân thuộc miền núi đều được sử dụng điện ổn định, đúng mức giá của ngành điện.

Tuy đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra trong kế hoạch số 166/KH-UBND, ngày 30/11/2012 của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của đồng bào dân tộc miền núi thủ đô, đồng thời giữ vững mục tiêu cấp điện ổn định đảm bảo chất lượng điện năng, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, EVN HANOI dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tại vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội trong năm 2015 với tổng kinh phí là 34,511 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ đầu tư xây dựng mới 19 TBA với tổng công suất 4.100 kVA; Nâng công suất 1 TBA với tổng công suất tăng thêm là 150kVA.  Để triển khai thực hiện các hạng mục công việc theo kế hoạch, EVN Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như tập trung nguồn lực tại các Công ty Điện lực địa phương; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn khác nhau như vốn khấu hao cơ bản, vốn vay của các tổ chức nước ngoài, vốn vay tín dụng thương mại; tiết kiệm chi phí sản xuất thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng công suất các trạm biến áp tại các địa phương có nhu cầu cao về sử dụng điện. Thường xuyên duy tu sửa chữa hệ thống điện hạ áp tại vùng đồng bào dân tộc miền núi đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định. Mặc dù đã có những giải pháp thực hiện, nhất là vấn đề tài chính, nhưng nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Bởi lẽ, ngoài phần đầu tư cải tạo hệ thống điện cho đồng bào miền núi, EVN HANOI còn phải đầu tư hệ thống điện trung, hạ thế tại các địa phương, cũng như hệ thống đường dây cao thế 220kV, đường dây và trạm biến áp 110kV nhằm đảm bảo cấp điện cho toàn thành phố. Từ những thực tế trên, EVN HANOI mong muốn UBND TP tạo điều kiện để Tổng công ty được vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển TP, cũng như việc tạo quỹ đất, GPMB cho các công trình điện khi đầu tư xây dựng được thuận lợi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần