Facebook quay lại bàn đàm phán với Australia trong cuộc chiến bản quyền báo chí

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 20/2 cho biết, Facebook đã quay trở lại bàn đàm phán sau khi "gã khổng lồ" mạng xã hội chặn báo chí nước này trên nền tảng của mình, để phản đối luật trả tiền cho các liên kết đến nội dung tin tức mà Canberra mới đề xuất.

Báo chí Australia phản ánh về động thái 'trả thù' của mạng xã hội Facebook.
Theo ông Morrison, Facebook đã "tạm thời kết bạn" với Australia một lần nữa, sau khi đã chặn người Australia chia sẻ tin tức trên dịch vụ của mình kể từ hôm 18/2. Động thái "trả thù" đã làm tê liệt loạt trang của các hãng tin, thậm chí xóa một số tài khoản của chính quyền giữa bối cảnh cần thông tin chính thống về dịch bệnh, gây ra sự phản đối trên diện rộng.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết, ông đã nói chuyện với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg và dự kiến ​​sẽ có các cuộc đàm phán tiếp theo vào cuối tuần tới.
Luật mới của Australia - buộc Facebook và Google phải tham gia các giao dịch thương mại với các nhà xuất bản nước này, hoặc phải làm việc thông qua trọng tài bắt buộc - đã được thông qua tại Hạ viện, và dự kiến ​​sẽ được Thượng viện thông qua trong vòng vài ngày tới.
Áp lực với Facebook ngày càng tăng khi Canberra thề sẽ thúc đẩy đạo luật mang tính bước ngoặt, dự báo tạo ra một cơn sóng toàn cầu - hiện đã thúc đẩy nhiều quốc gia, bao gồm Canada, bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện hành động tương tự.
Các nhà xuất bản của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang vận động Nghị viện châu Âu học hỏi một số phần của luật do Australia đề xuất, để buộc Facebook và Google phải trả một mức giá thỏa thuận cho nội dung của họ. Chính xác hơn, họ muốn một điều khoản cụ thể được bổ sung vào Đạo luật thị trường kỹ thuật số - đã được đề xuất vào tháng 12/2020 vơi mục tiêu kiềm chế các công ty công nghệ lớn.
Thực tế, EU đã đồng ý một luật bản quyền riêng để giúp các hãng tin có được khoản bồi thường từ các nền tảng mạng xã hội sau nhiều năm đàm phán về vấn đề bản quyền. Tuy nhiên đối với một số nhà xuất bản, các quy tắc vẫn chưa đủ sâu sát.
Ví dụ, Pháp là một trong những quốc gia duy nhất cho đến nay áp dụng luật bản quyền, nhưng cơ quan cạnh tranh của nước này hồi năm ngoái vẫn phải can thiệp để buộc Google trả tiền cho việc hiển thị tin tức. Khi Paris ban hành luật, Google đã "lách" bằng cách hiển thị các kết quả tìm kiếm tin tức của Pháp nhưng dưới dạng lược bỏ bản xem trước của các bài báo.
Google cũng đã đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của mình ở Australia nếu đề xuất mới trở thành luật, đặc biệt là vì các quy tắc sẽ bao gồm các siêu liên kết đến các bài báo. Công ty đang hy vọng các thỏa thuận gần đây mà họ đạt được với một số tổ chức tin tức sẽ đủ để đối đầu với một "cuộc chiến" quy định mới ở châu Âu và những nơi khác.
Trong khi Facebook lập luận rằng, đề xuất luật của Australia sẽ đặt ra "tiền lệ xấu", trong đó chính phủ là bên quyết định ai tham gia các thỏa thuận nội dung, và "bên đã nhận được giá trị từ dịch vụ miễn phí sẽ được thanh toán bao nhiêu".