Điểm nhấn công nghệ tuần: Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty trên thế giới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty trên thế giới; Tới 13/7 mới sửa xong cáp AAG; Agribank cảnh báo hacker lừa đảo qua email... là điểm nhấn tuần qua.

Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty trên thế giới

Theo báo Wall Street Journal, thông tin trên là một phần trong bộ tài liệu dài 747 trang mà Facebook đã gửi đến các nhà lập pháp trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại vào ngày 29/6 vừa qua.
Ủy ban đã công bố công khai tài liệu, nhằm mục đích trả lời ít nhất là một phần trong số nhiều câu hỏi mà Mark Zuckerberg đã được hỏi trong phiên điều trần của mình cách đây không lâu.
Điểm nhấn công nghệ tuần: Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty trên thế giới - Ảnh 1
 

Điều quan trọng nhất trong bộ tài liệu đó là danh sách các công ty công nghệ lớn mà Facebook đã chia sẻ thông tin người dùng, bao gồm Apple, Amazon, Microsoft, Qualcomm và Samsung, cũng như hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc.

BlackBerry cũng nằm trong danh sách vì một số lý do nào đó. Các công ty như Nissan, UPS và những công ty khác cũng là một phần của chương trình chia sẻ.

Cũng nằm trong danh sách 52 công ty, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lập pháp, là một số công ty Trung Quốc: Huawei, Lenovo, Oppo, và TCL.
Theo Facebook, việc chia sẻ dữ liệu với các công ty này vẫn còn diễn ra vài tháng sau khi nền tảng hủy bỏ quyền truy cập của nhà phát triển vào các thông tin thuộc sở hữu của bạn bè người dùng.
Facebook đã chia sẻ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, thành phố hiện tại, quê hương, ảnh và trang thích với các nhà phát triển nhận được ưu đãi đặc biệt.
Facebook giải thích rằng dữ liệu được cung cấp nhằm cải thiện khả năng hoạt động của nền tảng trên các nền tảng và thiết bị khác nhau. Tuy nhiên, các nhà lập pháp không hoàn toàn thuyết phục với lời giải thích của Facebook.
Tới 13/7 mới sửa xong cáp AAG
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, kế hoạch sửa chữa nhánh S1H của tuyến cáp bị lùi đến 8/7/2018, thay vì bắt đầu được sửa từ sáng nay, 6/7/2018. Dự kiến, việc sửa chữa nhánh AAG-S1H sẽ hoàn tất vào sáng 13/7/2018.

Lần gặp sự cố trên cáp nhánh S1H của tuyến AAG (phân đoạn Vũng Tàu - Brunei) vào sáng 16/6 vừa qua là lần thứ 3 trong năm nay tuyến cáp quang biển quốc tế này bị lỗi, gây ảnh hưởng chất lượng dịch vụ Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Vị trí cáp bị lỗi đã được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp biển AAG khoảng 64,3km và nguyên nhân là do nguồn điện áp cấp cho nhánh S1H của cáp AAG không ổn định.
Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính từ đầu năm 2017 cho đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã 8 lần gặp sự cố, được bảo dưỡng, sửa chữa, lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8, 12/10, 7/11/2017; 6/1, 22/5 và 16/6/2018. Trong đó, sự cố xảy ra ngày 22/5 đã được đối tác quốc tế khắc phục xong vào 23h50 ngày 2/6/2018.
Asia - America Gateway (AAG) là tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng chiều dài 20.000km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây. Đây là tuyến cáp đầu tiên kết nối giữa Đông Nam Á và Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM). 
Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314km.
Agribank cảnh báo hacker lừa đảo qua email
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có cảnh báo về giao dịch lừa đảo qua email xảy ra tại ngân hàng này.
 
Cụ thể, Agribank cho biết, gần đây có một số trường hợp khách hàng chuyển tiền không đến đúng người hưởng do bị "hack email" (nghĩa là kẻ lừa đảo sử dụng mạng Internet, công nghệ cao (Hacker) đưa thư chào giả mạo, xâm nhập vào hệ thống email của khách hàng hoặc đối tác để thay đổi thông tin về người hưởng trên Hợp đồng hoặc Phụ lục hợp đồng hay các chứng từ) và yêu cầu ngân hàng hỗ trợ đòi lại tiền từ ngân hàng nước ngoài.

Hacker thường hướng tới các DN nhỏ và vừa, các công ty có tính bảo mật không cao, thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email... Tuy nhiên, khả năng đòi lại tiền trong trường hợp giao dịch bị hack email là rất khó do kẻ lừa đảo thường rút tiền ra ngay sau khi tiền được ghi có vào tài khoản hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp từ phía các ngân hàng nước ngoài.

Hacker sử dụng các chiêu sửa nội dung hợp đồng ký qua email hoặc bổ sung phụ lục hợp đồng, giả mạo email để thay đổi thông tin người hưởng như: Thay đổi tinh vi tên công ty trong thư điện tử (XYZadvertising.com thành XYZaddvertising.com), thay đổi tên miền công ty thành tên miền công cộng (@yahoo.com, @gmail.com) hoặc sửa, chèn thông tin người hưởng trên hợp đồng hoặc hóa đơn.

Agribank khuyến cáo các khách hàng của ngân hàng này cần xem xét cẩn thận tất cả các email, đặc biệt là các email yêu cầu chuyển khoản có dấu hiệu khác thường.

Thực hiện xác minh khi có bất kỳ chỉ dẫn thay đổi về người hưởng, thông tin về tài khoản, các chỉ dẫn thanh toán khác bằng cách liên hệ ngay với đối tác qua các kênh thông tin tin cậy khác để xác thực thông tin.

Gần đây, tội phạm đang ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu thức khác nhau như qua hotline, qua website giả mạo,... để lấy cắp thông tin, tài khoản, tiền gửi của các khách hàng tại ngân hàng.

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc ngân hàng phải gia tăng bảo mật thì phía khách hàng cũng phải nhận thức rõ hơn các khả năng bị lừa đảo để tránh bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.