FDI chảy mạnh vào góp vốn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tổng vốn đăng ký mới giảm 9,2% nhưng điểm sáng nổi bật là sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Ngày càng nhiều DN nước ngoài chọn cách thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần.

 Tính đến 20/6, tổng giá trị vốn góp của DN FDI đạt 8,12 tỷ USD, tăng tới 98,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Phạm Hùng
FDI tăng 98,1% qua góp vốn, mua cổ phần

Tính đến 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐTNN đạt 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi con số giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Mặc dù tổng vốn đăng ký giảm nhưng điểm sáng nổi bật là sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp, mua cổ phần của NĐTNN, với 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng tới 98,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.
Thông tin được Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh thông báo mới đây, SK Investment Vina II - quỹ đầu tư thành viên của SK Group (Hàn Quốc) đã chính thức hoàn tất việc mua 205,7 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup, để trở thành cổ đông lớn của tập đoàn này. Trước đó, SK cũng dốc vốn vào Masan, bởi đây đều là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Trong khi Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang - một trong những DN dược phẩm lớn tại Việt Nam, để nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại DHG lên 51%.

Diễn biến này có xu hướng tăng rất mạnh trong vài năm trở lại đây. Như năm 2018 lượng góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN đạt 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017; năm trước đó là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), một mặt, xu hướng này thể hiện thị trường M&A phát triển, thông tin minh bạch đến NĐT và cơ hội hợp tác quốc tế mở rộng. Nhưng đồng thời cũng cảnh báo xu hướng “ngoại hóa” DN Việt và sự chuyển dịch từ vốn đầu tư trực tiếp vào dự án mới sang mua lại cổ phần để thâu tóm DN đang hoạt động.

Theo lĩnh vực đầu tư, các NĐT nước ngoài tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai… Có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai. Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Trong số 7 dự án FDI “khủng” vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 thì các NĐT Hồng Kông và Trung Quốc đã chiếm 5/7 dự án.

Xu hướng tiếp tục bùng nổ

Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các NĐTNN tại Việt Nam, góp vốn, mua cổ phần là con đường ngắn nhất để các NĐTNN có thể nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam, thay vì chỉ thông qua hình thức đầu tư trực tiếp như trước đây.

Phân tích xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng, một số lượng lớn các khoản đầu tư dịch chuyển ngoài nhắm đến thị trường nội địa ngày càng lớn mạnh của Việt Nam, còn để né tránh những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Khi căng thẳng thương mại xảy ra, các công ty đa quốc gia càng muốn đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng. Và trong quá trình dịch chuyển sản xuất để “tránh bão” đó, góp vốn, mua cổ phần càng được ưu tiên.

Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit nhận xét, các DN Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hơn một năm nay, thông qua việc thâu tóm, mua lại những DN trong nước hoặc mua đất mở trang trại canh tác, tổ chức thu mua nông sản rồi xuất khẩu. Tuy vậy ông Viên cũng cảnh báo: "Trước mắt, DN Việt bán công ty được giá, bán đất đai và bán hàng cho DN Trung Quốc thu được lợi nhuận tương đối. Nhưng sau này, khi Trung Quốc đã xây dựng xong cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm chủ thị trường thì câu chuyện sẽ rất khác".

Hay như trong lĩnh vực bất động sản, nhìn vào các thương vụ đầu tư thành công có thể thấy, NĐT thường góp vốn vào các DN bất động sản có những đặc điểm sở hữu quỹ đất sạch lớn, có tài chính lành mạnh, dự án có quy mô lớn…

Các chuyên gia dự báo, xu hướng đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. "Do đó, vấn đề còn lại lúc này tùy thuộc vào DN Việt trong lựa chọn được dự án tốt để hợp tác, NĐT tốt để làm ăn chung. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần lựa chọn NĐT phù hợp với chiến lược của Việt Nam là ưu tiên dự án có năng suất, hàm lượng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh" - GS Nguyễn Mại lưu ý.