FDI đầu tư vào bất động sản: Vốn lớn nhưng vướng chính sách

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng đầu năm 2019, thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) vẫn duy trì ở vị trí thứ hai với tổng số vốn đạt trên 2,3 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư FDI vào BĐS lớn tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường.

Vốn FDI có tác động tích cực vào sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Ảnh: Mai Vân
Nhiều kỳ vọng cho thị trường
Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng trưởng ổn định, các nhà đầu tư liên tục rót vốn vào Việt Nam. Theo đó, tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực BĐS trong 8 tháng năm 2019 đạt 2,31 tỷ USD chiếm khoảng 10.2% tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2019 đã có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của DN FDI vào TP Hồ Chí Minh đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Hoàng Khôi Nguyên, trước những dấu hiệu chững lại do một số thay đổi về chính sách tín dụng tài chính của Chính phủ, nhờ vào sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI trong những năm gần đây, đã tạo điều kiện giúp thị trường BĐS không ngừng phát triển. Vào thời điểm này nguồn vốn FDI đổ vào thị trường BĐS được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời giúp các chủ đầu tư phát triển thuận lợi hơn. “Nguồn vốn đầu tư FDI mang lại nhiều kỳ vọng cho thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại, trước tình trạng hàng loạt các dự án phải dừng triển khai vì thanh tra và chính sách siết chặt tài chính, tín dụng cho vay từ ngân sách dành cho các DN” – ông Nguyên nhìn nhận.
Cùng quan điểm, Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell cho biết, thời gian gần đây các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú tâm vào những thị trường lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà đã có sự dịch chuyển sang các tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Tiền Giang.
“Thị trường BĐS Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng ngày Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm, rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam” - ông Matthew Powell nói.
Không ít thách thức
Cũng theo ông Hoàng Khôi Nguyên, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng; trong đó khu vực ven biển đang là những “thỏi nam châm” hút vốn nhiều nhất, với các sản phẩm như khách sạn, resort, condotel… Tuy nhiên, những vướng mắc về thủ tục pháp lý đang tạo ra nhiều thách thức đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án condotel.
Cùng với đó là số lượng DN BĐS niêm yết vốn trên sàn chứng khoán cũng chưa thực sự nhiều, vì vậy vấn đề về vốn đầu tư cũng là một thách thức không nhỏ với những DN chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, trong bối cảnh siết chặt tài chính hiện nay. Việc nguồn vốn FDI đổ bộ vào thị trường BĐS tại Việt Nam cũng tạo ra nhiều cơ hội thay đổi thị trường. Trong đó các nhà đầu tư ngoại cũng chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm đầu tư thứ nhất thường quan tâm nhiều hơn tới những tài sản tạo ra dòng tiền, bao gồm trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng và khách sạn có vị trí nằm ở khu trung tâm. Trong khi nhóm đầu tư thứ hai lại tập trung nhiều hơn vào việc phát triển nhà ở, phối hợp với các chủ đầu tư trong nước gồm những DN có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự.
Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore. Ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những khó khăn hiện tại của thị trường, các DN BĐS cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu niêm yết trên sàn chứng khoán bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác thực hiện dự án. Như vậy, DN BĐS cũng giảm bớt phần nào nỗi lo tắc vốn khi các ngân hàng siết chặt cánh cửa cho vay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần