FDI hao hụt vì dịch bệnh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý I/2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chỉ đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng dịch Covid-19 đã không chỉ ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư mới, đầu tư mở rộng, mà còn ảnh hưởng mạnh tới tiến độ triển khai các dự án.

Giảm cả số lượng và tổng vốn đầu tư
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài – ĐTNN (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Có được mức tăng trưởng này chủ yếu là do trong quý I/2020 có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bên cạnh đó, quý I/2019, có trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD.
Cục ĐTNN cho biết, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD kể trên thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của NĐT NN trong quý I/2020 chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, vốn thực hiện giải ngân quý I/2020 cũng giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 3,9 tỷ USD.
Theo nhận định của Cục ĐTNN, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các NĐT, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của NĐTNN, làm cho thu hút FDI trong quý I/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký. 
 Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Báo cáo của Cục ĐTNN cho thấy, các tập đoàn lớn như Apple, Exxon Mobil… đã hủy chuyến công tác và “trì hoãn” việc ra quyết định đầu tư. Danh sách chắc chắn không dừng lại ở đó, bởi trong hơn một tháng qua, gần như không có bất cứ đoàn DN nước ngoài nào tới tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương.
Như ở Đồng Nai, Công ty Shan Hong Việt Nam vừa phải có văn bản xin giãn tiến độ góp vốn đến tháng 9/2020 và giãn tiến độ triển khai dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II - Nhơn Phú (Đồng Nai) đến tháng 11/2020. Một số dự án tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai có kế hoạch triển khai trong quý I, quý II năm nay cũng đã xin giãn tiến độ triển khai...
Gỡ khó, khơi thông dòng vốn
Theo dự báo của các chuyên gia, hoạt động đầu tư quốc tế đang và sẽ chịu nhiều tác động từ đại dịch. Cùng với các rủi ro địa chính trị, môi trường chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu trở nên bất ổn hơn, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co cụm, do đó làm suy yếu động lực đầu tư.
Dịch Covid-19 không chỉ khiến các DN FDI trì hoãn việc ra các quyết định đầu tư, mà còn khiến không ít DN lâm vào cảnh khó khăn trong hoạt động, phải có giải pháp tháo gỡ. Các DN FDI lâm cảnh thiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp người nước ngoài; nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, tiến độ triển khai các dự án tại Việt Nam. Chưa kể, nhiều DN còn gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ, nhất là với những DN xuất khẩu lớn sang các vùng dịch.
“Trong bối cảnh hiện nay, phải tháo gỡ khó khăn cho các DN FDI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài, đồng thời xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư…” - Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng đề xuất.
Bên cạnh đó, theo Cục ĐTNN, các bộ, ngành, địa phương nên dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với DN FDI trong thời gian có dịch để DN tập trung sản xuất - kinh doanh, phục hồi hoạt động sau tác động của dịch bệnh, trừ trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các NĐTNN cùng với việc quyết liệt dập dịch, theo Cục ĐTNN, chính là cách để Việt Nam quảng bá và xây dựng “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư, qua đó tạo cơ hội để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài, khi dịch bệnh qua đi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần