FDI sụt giảm: Khó khăn được dự báo trước

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, trừ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) với tổng giá trị 2,75 tỷ USD, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gồm cả vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đều giảm mạnh. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt hơn 7,1 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

 Đóng gói sản phẩm tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Hải Linh
Thay đổi từ bên ngoài
Kết quả này cho thấy nguồn vốn FDI cam kết vào Việt Nam tiếp tục ở mức thấp. Nếu như năm 2017, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) có đến 2 dự án tỷ đô được cấp phép gồm: Dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD của Samsung Display Việt Nam và việc cấp mới của dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang với vốn đầu tư 1,27 tỷ USD.

Thực tế, khó khăn trong thu hút vốn FDI năm 2018 đã được tiên liệu trước do những thay đổi chính sách từ các quốc gia lớn, trong đó có Mỹ. Trong báo cáo gửi Thủ tướng đầu năm, Tổ tư vấn của Thủ tướng chỉ ra: Một trong những thay đổi lớn nhất là Chính phủ Mỹ áp dụng việc giảm thuế thu nhập DN từ 35% xuống 21%. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư (NĐT) Mỹ khi chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10,5%. Điều này dẫn đến lo ngại các DN của Mỹ hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam sẽ chuyển tiền về nước thay vì lâu nay họ giữ lại để tái đầu tư.
“Điều đáng lo ngại hơn, khả năng một số nước phát triển có thể giảm thuế để cạnh tranh với Mỹ, nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam và cần phải theo dõi để có ứng phó kịp thời...”- báo cáo của Tổ tư vấn nhấn mạnh

Quan tâm hơn đến DN trong nước

Đề cập đến việc Việt Nam phải ứng xử thế nào trong trường hợp FDI rút vốn, Thạc sỹ Bùi Ngọc Sơn - Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nếu Việt Nam định thay đổi chính sách ưu đãi thì phải tính toán hiệu quả, hiệu ứng. "Trong các chuỗi giá trị của công ty nước ngoài, Việt Nam được tìm đến chủ yếu là vì lao động thấp và có thể họ vẫn ở lại vì lợi thế này. Việt Nam cũng có thể tiếp tục tăng ưu đãi cho FDI và họ sẽ ở lại nhưng cuối cùng để làm gì? Có cần thiết hay không?” – ông Sơn đặt câu hỏi.
Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, con số kỷ lục 36 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017 mở ra kỳ vọng về thu hút FDI trong năm 2018.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó duy trì mức tăng ấn tượng như năm 2017. Theo dự báo, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2018 chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, chưa bằng một nửa con số của năm ngoái.
Cũng theo ông Sơn, trước đây, khi Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% đối với lợi nhuận để lại tái đầu tư nhưng cũng không có nhiều NĐT mặn mà. Do đó chúng ta cũng không nên quá hy vọng. Lúc này cần đưa ra chính sách khác đi đối với FDI. Việt Nam cần cẩn trọng xem xét để có biện pháp khiến NĐT giữ lại vốn để đầu tư theo chiều sâu, cải tiến kỹ thuật...

Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, hiện nay tại Việt Nam mức thuế phổ thông đối với dự án FDI là 20%, các mức thuế ưu đãi khác là 10%... thấp hơn mức 21% ở Mỹ. Song Việt Nam cần rà soát lại các chính sách, cụ thể là thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt... khiến chi phí không chính thức có thể ở đâu đó còn cao hơn tiền nộp thuế... Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.
“Chính phủ nên tạo lập điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động tốt và có hiệu quả cao như: Các chính sách thúc đẩy cạnh tranh như giảm can thiệp điều tiết của Nhà nước, tư nhân hóa, chống độc quyền, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tháo dỡ các rào cản đặc biệt là thể chế để khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng” - GS Nguyễn Mại nói.

Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khối FDI vẫn chiếm hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Điều này gây bất ổn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Nhấn mạnh đến yêu cầu tăng năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giảm chi phí cho DN là rất quan trọng. Chi phí vốn, chi phí thủ tục, chi phí tiền lương và đặc biệt chi phí không chính thức còn quá lớn. Những chi phí này không giảm được thì rất khó.