Ông Powell cho rằng những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế đang góp phần giúp FED tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chính sách: "Với chính sách tiền tệ phù hợp, thị trường việc làm sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định, trong khi lạm phát được dự báo duy trì ở mức mục tiêu 2% trong thời gian tới”.
Đáng chú ý, người đứng đầu FED cho rằng phương án thích hợp vào lúc này là tiếp tục tăng lãi suất ở mức phù hợp, hướng tới mục tiêu hỗ trợ đà tăng của nền kinh tế nhưng không quá cao hoặc tăng dồn dập khiến tốc độ tăng trưởng suy giảm.
Peter Cecchini - chuyên gia nghiên cứu thị trường của công ty tài chính Cantor Fitzgerald có trụ sở tại New York cho rằng, tuyên bố này của ông Powell không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, cho thấy khả năng cao FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Thời gian của 2 đợt tăng này dự kiến sẽ vào tháng 9 và vào dịp cuối năm.
Trước đó, vào tháng 3/2018, FED đã điều chỉnh lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018 với mức tăng 0,25% từ 1,5% lên 1,75% - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Thị trường tài chính ngay lập tức đã có những phản ứng tích cực, với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 55,53 điểm tương đương 0,2% lên 25.119,89 điểm, đánh dấu 4 phiên tăng liên tiếp và cũng là phiên tăng thứ 8 trong 9 phiên trở lại đây của chỉ số này. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 11,12 điểm tương đương 0,4% lên 2.809,55 điểm.
Ở giai đoạn ngắn hạn, những đánh giá của vị Chủ tịch FED rõ ràng đang đi đúng hướng, tuy nhiên, ngay trong nội bộ FED vẫn tồn tại ý kiến về việc nên tạm dừng tăng lãi suất vào năm tới nếu lạm phát được duy trì trong mức kiểm soát.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4%, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường lao động Mỹ đã đạt mức “đỉnh” và khó có thể tăng thêm. Trước ý kiến về tốc độ tăng lương không nhanh như kỳ vọng, ông Powell cho rằng việc tỷ lệ thất nghiệp thấp là một nhân tố, tuy nhiên về lâu dài cần có các biện pháp cải thiện chất lượng giáo dục để người lao động có mức lương cao hơn.
Theo ông Powell, nhìn tổng thể, xu hướng tăng trưởng kinh tế đã kéo dài gần một thập kỷ của Mỹ sẽ còn tiếp diễn, khi “lãi suất ở mức thấp, hệ thống tài chính ổn định, tác động tích cực từ chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công, kết hợp với tăng trưởng kinh tế toàn cầu” sẽ đóng vai trò chính.
Bất chấp những dự báo tích cực, ông Powell thừa nhận việc chính quyền Washington áp thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ các quốc gia đồng minh và đặc biệt là Trung Quốc về lâu dài sẽ mang lại các tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Về ngược lại, theo người đứng đầu FED, một cuộc chiến thương mại về lâu dài có thể mang lại kết quả tích cực cho kinh tế, nếu các đối tác thương mại chấp thuận giảm thuế nhập khẩu trước sức ép từ Washington, qua đó, góp phần làm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hiện đang ở mức cao của Mỹ.