FED giữ nguyên lãi suất và sẽ sớm giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu

Phương Dung (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,0-1,25% và xác nhận có kế hoạch cho việc bắt đầu rút lại chương trình kích thích khổng lồ mà ngân hàng trung ương đưa ra để giải cứu nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/7 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,0-1,25%, đồng thời cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình lạm phát.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã đưa ra một bản thông cáo với những từ ngữ mà giới phân tích nhận định FED sẽ bắt đầu hành động vào tháng 9.
 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,0-1,25%. Ảnh: The Star 
Lãnh đạo FED cho biết tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện vẫn đang ở dưới mức mục tiêu 2% do yếu tố giảm giá ngắn hạn tác động. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương cũng xác nhận kế hoạch giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại chứng khoán được đảm bảo bằng nợ bất động sản.
Theo đó, FED dự định sẽ tăng dần mức trái phiếu bán ra mỗi tháng nhằm đảm bảo thị trường có thời gian điều chỉnh và thích nghi. Hiện Fed đang nắm giữ 4,5 nghìn tỷ USD các tài sản này, phần lớn được mua sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế giai đoạn 2007 - 2009 như một biện pháp nhằm bơm tiền vào nền kinh tế.
"FOMC dự kiến sẽ bắt đầu triển khai chương trình bình thường hóa bảng cân đối của mình tương đối sớm, với điều kiện nền kinh tế sẽ tăng trưởng như dự đoán", tuyên bố của FED cho biết.
Chủ tịch FED Janet Yellen và những người khác đã chỉ ra rằng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán không nên gây xáo trộn thị trường, mặc dù một số lo ngại rằng nó có thể đẩy lãi suất lên nếu nhu cầu trái phiếu không lớn.
Các thị trường đã không kì vọng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 này. Thị trường đang đánh giá xác suất FED nâng lãi suất thêm một lần nữa trong phần còn lại của năm là 50%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần