FED tăng lãi suất: Áp lực tăng trưởng và xuất khẩu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra quyết định tăng lãi suất từ 2,25% đến 2,5%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 4 trong năm 2018.

Bài toán tỷ giá, lãi suất
Nếu so với ngày 1/1/2018 tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 22.735 đồng và tới ngày 20/12 ngân hàng này niêm yết bán ra ở mức 23.325 đồng, tỷ giá đã tăng 2,6%. Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng liên tiếp và tăng cao nhất từ đầu năm đến nay là do thời điểm cuối năm nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn khi nhiều DN đã đến hạn phải thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa cho các đối tác cũng như trả nợ các khoản vay ngoại tệ. Việc FED tăng lãi suất cũng đúng vào dịp các DN Việt Nam chuẩn bị cung cầu cho Tết Nguyên đán và trong chu kỳ tăng.
 Giao dịch tại chi nhánh NCB Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Thực tế, năm 2018, nếu so với nhiều loại ngoại tệ mạnh khác vẫn mất giá mạnh so với USD, thì VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED. “Tuy vậy, điều hành tỷ giá của NHNN cũng phải thận trọng hơn” - chuyên gia lâu năm ngành tài chính Lê Xuân Nghĩa nhận xét. Theo ông Nghĩa, về triển vọng trung dài hạn, với việc FED tăng lãi suất và dự báo tiếp tục tăng trong năm tới, sẽ tạo sức ép lên đồng USD trong nước. Lãi suất VND theo đó cũng phải chịu sức ép tăng nếu như các ngân hàng muốn duy trì tỷ giá hối đoái như cũ, để giữ chênh lệch lãi suất USD-VND ở mức hợp lý nhằm tránh tạo áp lực lên tỷ giá.

Chung quan điểm, Giám đốc Phát triển trường Đại học Fullbright đánh giá, đây là lựa chọn chính sách nếu chúng ta muốn ổn định tỷ giá. Với việc tăng lãi suất này, đồng thời FED cũng đưa ra tín hiệu năm 2019 lộ trình tăng lãi suất sẽ nhẹ nhàng hơn, cùng lắm là sẽ có 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2019. Song đồng USD được dự báo tiếp tục tăng giá khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa dứt và Trung Quốc có xu hướng dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. “Nhìn vào 2019, trước mắt phải đợi động thái của NHNN trước áp lực này liệu có điều chỉnh chính sách lãi suất hay không. Nếu có điều chỉnh thì tôi nghĩ cũng ở mức khiêm tốn” - ông Thành nhận định.

Đêm 19/12, FED tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 2,5%. Ngày đầu tiên sau quyết định của FED, các TTCK lớn toàn cầu phản ứng tiêu cực với mức giảm sâu. Thị trường Việt Nam dù nỗ lực ngược dòng vẫn không tránh khỏi mức giảm nhẹ. Nguyên nhân thị trường Việt Nam không phản ứng quá tiêu cực vì đây là một quyết định đã được dự báo, Việt Nam nhìn chung đã có các đợt giảm phản ánh trước đó để dự phòng cho quyết định nâng lãi suất này của FED. Phiên giao dịch ngày 20/12 tiếp tục cho thấy những nỗ lực hàn gắn và hồi phục của nhiều cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. (Hà Lâm)
Trong một báo cáo nhanh, CTCK Bảo Việt phân tích, NHNN có nguồn dự trữ ngoại tệ trên 63 tỷ USD nên hoàn toàn ứng phó được với những tác động. Năm 2018, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, kiểm soát lạm phát tốt, (dự báo CPI 2019 ở mức quanh 3,5% - tương đương năm 2018), sức mua ổn định... từ đó tạo tiền đề cho nguồn nội lực kinh tế ổn định.

Linh hoạt, thận trọng

Bên cạnh lãi suất, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng cần tính tới các yếu tố khác như xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại. Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, FED tăng lãi suất tức là làm cho đồng USD tăng giá và cũng là dấu hiệu làm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục giảm. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm sau chỉ đạt 2,5% so với năm nay là 2,9%. Năm nay Việt Nam tăng trưởng rất tốt, năm 2019 có thể tăng trưởng thấp hơn so với 2018.

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam hiện đang nằm trong “gọng kìm” của đồng USD và Nhân dân tệ. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đến nay, đồng Nhân dân tệ giảm trên dưới 5%, trong lúc đồng USD vẫn giữ vững vị thế của nó trên thị trường. Mỹ lại là đối tác thương mại vô cùng quan trọng của Việt Nam mà chúng ta lại xuất siêu sang Mỹ. FED tăng lãi suất ảnh hưởng xấu đến GDP của Mỹ, do vậy, rất có thể chính quyền ông Trump sẽ có sự điều chỉnh chính sách mậu dịch với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Ông Nghĩa cho rằng, VND nếu neo vào đồng USD mà đồng USD tăng giá thì VND cũng sẽ tăng giá. Như vậy có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới, tức là đồng VND sẽ tăng giá so với những đồng tiền khác, đặc biệt là những đồng tiền của các đối tác thương mại ngoài Mỹ. Đây là điều mà các DN cần phải nghiên cứu kỹ để xử lý linh hoạt, thận trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

"Lộ trình FED tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là hai yếu tố chính có thể tác động tới cân đối NSNN, nợ công, nợ của quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới. Vừa ổn định lạm phát, vừa ổn định tỷ giá và duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Chính phủ sẽ buộc phải lựa chọn một mục tiêu nhất định cho mỗi thời kỳ nhất định. Để đạt được mục tiêu đó thì chắc chắn sẽ phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cả chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế là động lực tăng trưởng GDP trong thời gian tới." - Chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần