Fentanyl - Trung Quốc đang "triệt hạ" Mỹ từ bên trong?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bạn của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ ngừng việc bán fentanyl cho Mỹ - điều đã không bao giờ xảy ra... chúng tôi đang mất hàng nghìn người vì fentanyl", Tổng thống Trump tweet hôm 1/8.

Thuốc viên, được đóng dấu M367, được biết là thuốc giảm đau giả với một liều lượng cao chất fentanyl. 
Truyền thông và quan chức nhà nước Trung Quốc hôm 4/8 công khai lập trường cứng rắn đối với Washington về fentanyl - loại ma túy tổng hợp đã góp phần vào cuộc khủng hoảng chất giảm đau tại Mỹ - khi cho rằng đó là một vấn đề mà Mỹ cần tự chịu trách nhiệm.
Động thái này không chỉ đến như một sự đáp trả của Bắc Kinh đối với thuế quan mới trên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Washington, mà còn tới sau một chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, về việc đã không thực hiện lời hứa sẽ hạn chế chất fentanyl vào quốc gia này.
"Bạn của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ ngừng việc bán fentanyl cho Mỹ - điều đã không bao giờ xảy ra... chúng tôi đang mất hàng nghìn người vì fentanyl", ông Trump tweet.
Mỹ "đau" vì... giảm đau
Fentanyl được giới thiệu vào thị trường Mỹ vào những năm 1960 dưới dạng thuốc gây mê tĩnh mạch. Mạnh hơn gấp trăm lần so với morphin và hơn 50 lần heroin, fentanyl được sử dụng để kiểm soát các cơn đau nghiêm trọng, chẳng hạn ở những bệnh nhân ung thư hoặc những người già cuối đời.
Tuy nhiên, fentanyl cũng được sản xuất bất hợp pháp và tuồn vào Mỹ - chủ yếu từ Trung Quốc và Mexico - dưới dạng bột hoặc viên, và đôi khi được trộn lẫn với heroin, cocaine.
Một báo cáo công bố hồi tháng 12/2018 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco cho thấy, việc sử dụng fentanyl đã tăng lên trong những năm gần đây tại Mỹ vì sự thiếu hụt heroin và thuốc kê theo toa, và vì giá nhập rẻ hơn cho các nhà bán buôn so với heroin.
Đa phần người tiêu dùng thông thường ít khả năng biết được các thành phẩn trong sản phẩm mà họ đang tiêu thụ để lựa chọn, trong khi một số khác chấp nhận chuyển sang "thuốc giả" vì lý do chi phí. Năm 2017, Mỹ ghi nhận hơn 28.000 ca tử vong do quá liều thuốc giảm đau tổng hợp, phần lớn liên quan đến fentanyl.
Fentanyl có thể gây chết người với liều lượng chỉ 2mg, tương đương với một vài hạt cát. Thậm chí, nó không chỉ gây tử vong cho người dùng trực tiếp, mà còn đe dọa bất cứ ai vô tình hít phải nó, như nhân viên bưu điện, nhân viên thực thi pháp luật hay những con chó đánh hơi - theo Cơ quan Thực thi ma túy quốc gia Mỹ (DEA).
Một báo cáo về loại chất này hồi tuần trước của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho thấy, người dân có thể dễ dàng mua bột fentanyl trên trang web đen hoặc thậm chí các trang thương mại điện tử phổ biến như Weiku.com. Các khu thương mại tự do được kiểm soát lỏng lẻo ở Singapore và Dubai được xác định là nơi giúp sản phẩm vào được thị trường Mỹ.
Theo DEA, fentanyl xuất xứ từ Trung Quốc có thể được mua ở Mỹ với giá chỉ 1.700 USD, sau đó được sử dụng để tạo ra tới 1 triệu viên thuốc và được bán với giá từ 10 - 20 USD/viên - tạo ra doanh thu đầy hấp dẫn.
Tổng thống Trump lắng nghe thông tin cập nhật từ các quan chức chính quyền về 'nạn fentanyl' tại Nhà Trắng hôm 25/6.

Vai trò của Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV hôm 3/8, phó giám đốc Ủy ban kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc, Liu Yaojin cho biết, cơ quan này đã giám sát việc sản xuất fentanyl kể từ hôm 1/5, khi 25 loại fentanyl đã được phân loại là chất bị kiểm soát ở nước này. Ông Liu cũng tuyên bố, Trung Quốc không phải là nguồn cấp chính của fentanyl tại Mỹ và Washington nên tự giải quyết vấn đề lạm dụng fentanyl trong nước mình.
Tân Hoa Xã hôm Chủ nhật vừa qua cũng xuất bản một bài bình luận cho thấy quan điểm tương tự.
Theo quan điểm của Washington, bất kể việc chính quyền Bắc Kinh được cho là đã có những biện pháp thắt chặt hơn - điều chỉ khiến fentanyl từ Trung tới Mỹ hiện có xu hướng được trung chuyển qua một số quốc gia thứ 3 - thì một áp lực hiệu quả hơn sẽ là với các công ty lớn trong ngành hóa chất.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cảnh báo, hành động của Bắc Kinh có phần hạn chế bởi chính phủ nước này không thể kiểm soát được toàn bộ hoạt động của hàng chục nghìn nhà sản xuất nhỏ lẻ trên khắp đất nước. Hơn nữa, ngay cả khi những nỗ lực của Trung Quốc thành công, các quốc gia khác có năng lực sản xuất như Nga hoặc Ấn Độ vẫn có thể bước vào làm nhà cung cấp mới.
Thay vì trông đợi vào Bắc Kinh, giới chuyên gia đã đề xuất chính phủ Mỹ về các biện pháp chủ động hơn, chẳng hạn như tài trợ cho các chương trình về ma túy và chăm sóc sức khỏe tâm thần, để ít người nghiện hơn và chuẩn bị sẵn thuốc naloxone để điều trị cho những người dùng quá liều.