Festival có bán ghế massage, kính rởm… bị xử phạt 10 triệu đồng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt Công ty CP xúc tiến đầu tư và truyền thông Văn hóa Queen Group số tiền 10 triệu đồng về hành vi không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong Quyết định xử phạt số 101/QĐ-XPHC của Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội đối với Công ty CP xúc tiến đầu tư và truyền thông Văn hóa Queen Group nêu rõ: Đơn vị này đã treo dựng băng rôn quảng cáo có nội dung “Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019” tại các tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội, không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, số tiền phạt là 10 triệu đồng.
Nhiều sản phẩm không đúng với văn hóa truyền thống được bày bán tại festival.
Festival văn hóa truyền thống Việt Nam 2019 được tổ chức tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội từ ngày 5/4 đến 9/4. Ngay sau lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật ấn tượng, phần còn lại của Festival là trưng bày các gian hàng truyền thống, nhưng theo cảm nhận của du khách thì nơi đây thật chẳng khác mấy một cái chợ. Trong hơn trăm gian hàng, theo ước tính đến hơn 3/4 các gian hàng là không liên quan gì đến văn hóa truyền thống.
Đó là gian hàng của các hãng ghế massage với các nhân viên chèo kéo mời khách vào ngồi dùng thử rồi tỉ tê giới thiệu bán hàng. Ở đầu khu gian hàng là cửa hàng bán đồ da phát loa ầm ĩ giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá siêu khuyến mại. Ở giữa các gian hàng bán đồ quần áo hàng chợ treo biển: 5 cái quần lót (nữ) = 100k, sịp nam = 50k/c... Đi sâu hơn là cửa hàng bán kính. Vắng khách nên nhân viên đang hát karaoke nhạc rên rỉ, cạnh đó là hàng bán đồ thông tắc vệ sinh, trong cùng là dãy hàng gia dụng đủ thứ đồng giá 39k/ món...
Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có cảm nhận như bước chân vào một khu chợ hơn là lễ hội. Khu vực gian hàng có quá nhiều sản phẩm nhưng ít mang đặc trưng của Việt Nam. Đồ điện tử, đồ chơi trẻ em tràn lan. Thực phẩm thì toàn thức ăn nhanh, trà sữa, ít thấy các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún chả, bánh cuốn”.
Bên cạnh các mặt hàng, thì hình thức quảng cáo sản phẩm cũng bị dư luận phản ứng vì bày bán và diễn ra tại không gian lễ hội.
Ngay sau phản ánh của người dân, cùng với việc đoàn kiểm tra đột xuất phát hiện sự việc, các đơn vị có liên quan đã liên hệ với Ban Tổ chức yêu cầu dừng bày bán. Đến ngày 7/4, đồ may mặc, ghế massage, quầy bán kính… đã phải đóng cửa.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đến ngày 8/4 toàn bộ các gian hàng bày bán không đúng với kịch bản xin phép của đơn vị đã đóng cửa, di dời toàn bộ mặt hàng ra khỏi không gian lễ hội.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động “Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019” đã thực hiện đảm bảo đúng kịch bản chương trình nghệ thuật như cấp phép. Còn về phần bày bán các gian hàng, cùng mặt hàng bày bán là do Sở Công Thương cấp phép. Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (nơi diễn ra sự kiện) cùng một số đơn vị có trách nhiệm giám sát các hoạt động diễn ra theo đúng nội dung và chương trình đã xin phép.
Ngoài ra, Sở VH&TT đã nghiêm khắc nhắc nhở và xử phạt với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo của đơn vị tổ chức sự kiện.
Ông Tô Văn Động cho hay, để xảy ra sự việc không hay trong lễ hội khiến người dân phản ứng, ngành văn hóa Thủ đô nhận một phần trách nhiệm. Hà Nội khuyến khích các đơn vị tổ chức các chương trình festival, lễ hội chất lượng phục vụ quần chúng Nhân dân. Nhưng ông Động cũng mong muốn các đơn vị sau khi xin phép cũng cần thực hiện đúng nội dung, như vậy mới đưa đến cho người dân những sản phẩm văn hóa chất lượng.