Festival Hán ngữ sinh viên các trường đại học phía Bắc: Cầu nối vững chắc quan hệ hai nước Việt - Trung

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thông qua Festival Hán ngữ sẽ góp phần cho sinh viên (SV) tiếng Trung trải nghiệm thực tiễn. Nhưng quan trọng hơn, thông qua giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội sẽ tạo động lực cho các em học tốt hơn và là hành trang rất tốt để bước vào đời” – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến nhận định.

Sáng nay 22/9, trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội tổ chức Festival Hán ngữ sinh viên các trường ĐH khu vực phía Bắc năm 2018 với chủ đề “Việt Nam – Trung Quốc trong tôi”. 
Tham dự sự kiện có ông Trương Tiến – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký hội Hữu nghị Việt Trung TP Hà Nội, bà Trần Hồng – Tham tán chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội Đỗ Hồng Cường và hơn 600 sinh viên đến từ 7 trường ĐH học có đào tạo ngành tiếng Trung Quốc.
 Sinh viên mã ngành tiếng Trung Quốc tham gia cuộc thi 'Việt Nam – Trung Quốc trong tôi'.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường cho biết, Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. 69 năm trước, vào ngày 18/1/1950, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - nhà nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đã đặt mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia. Có một điều không bao giờ thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước đó là hòa bình, ổn định và phát triển là nguyện vọng và lợi ích chung của cả hai dân tộc...

Tại Festival Hán ngữ, cán bạn sinh viên đến từ 7 trường ĐH có đào tạo mã ngành tiếng Trung Quốc tham gia cuộc thi mang chủ đề "Việt Nam – Trung Quốc trong tôi”. Nội dung cuộc thi gồm 4 phần: Giới thiệu các đội chơi, rung chuông vàng, tài năng và hùng biện.

Với tinh thần đó cũng như nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung Quốc trong nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa, trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức “Festival Hán ngữ sinh viên các trường Đại học khu vực phía Bắc năm 2018”. “Đây là cơ hội tạo môi trường cho SV được giao lưu học tập, nâng cao các kỹ năng thực hành tiếng Trung Quốc. Đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giáo dục giữa các trường ĐH có đào tạo mã ngành tiếng Trung Quốc và giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc” – Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường nhấn mạnh.

Trong khi ấy, chia sẻ với báo chí, bà Trần Hồng – Tham tán chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng với sự tham dự của hơn 600 SV tiếng Trung Quốc chứng tỏ các bạn rất yêu thích tiếng Trung, thể hiện sự hợp tác của 2 nước rất sâu rộng. Bà Trần Hồng hy vọng Festival được tổ chức thành công, tạo đà nhiều hơn cho SV Việt Nam thông thạo tiếng Trung Quốc; và từ đó có thể trở thành cầu nối hết sức vững chắc cho quan hệ hai nước.
 
Bà Trần Hồng cũng rất vui khi sau 10 năm quay trở lại Việt Nam làm việc nhận thấy số người biết nói tiếng Trung Quốc nhiều hơn và trình độ rất cao. “Trình độ dạy học của các trường ĐH ở Việt Nam rất phát triển. Cùng với việc hai bộ Giáo dục đã ký thỏa thuận hợp tác giáo dục, trong đó có khuyến khích các trường ĐH tăng cường trao đổi sinh viên, giáo viên thì việc dạy tiếng Việt và Tiếng Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn” – bà Hồng kỳ vọng.

Tuy nhiên, để việc học tiếng Trung phát triển tương xứng với mối quan hệ giữa hai nước, rất cần có sự nỗ lực chung của các bên, trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Cùng với đó là với sự cố gắng của Chính phủ, các trường, DN thì trình độ dạy tiếng Trung Quốc của Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của SV học tiếng Trung, bà Trần Hồng khẳng định: “Khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng tốt đẹp sẽ có nhiều hơn DN Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 1.000 DN Trung Quốc đã vào hoạt động rất cần có nguồn nhân lực biết sử dụng cả hai thứ tiếng. Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường vừa mới thông tin với tôi, SV tiếng Trung Quốc ra trường 100% có việc làm nên sự hợp tác tạo ra rất nhiều cơ hội cho các em học ngành tiếng Trung Quốc….”

Trong khi đó, trao đổi về việc số lượng SV theo học ngành tiếng Trung còn ít hơn so với tiếng Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng: Hoạt động đào tạo là theo nhu cầu của xã hội, tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cần có tuyên truyền nhiều và các DN tiếp nhận lao động tiếng Trung cũng cần phối hợ. Qua đó sẽ kích thích nhu cầu tuyển sinh và tăng được số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào ngành tiếng Trung.

Tại phần thi giới thiệu, các đội thi đã giới thiệu về từng thành viên tham gia, chuyên ngành, trường học thông qua các hình thức hoạt cảnh, tiểu phẩm. Trong phần thi Rung chuông vàng, mỗi đội có 3 thành viên tham gia đội tập trung trả lời câu hỏi của Ban tổ chức về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Trung Quốc.

Tiếp theo là thi Hùng biện, mỗi đội cử 1 thành viên tham gia theo các chủ đề: Sinh viên trong quá trình hội nhập; Suy ngẫm về lối sống của sinh viên hiện nay; Suy ngẫm về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; Giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, Tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa.

Phần thi Tài năng, các đội có nhiều hình thức lựa chọn như hát, múa, đọc thơ bằng tiếng Trung Quốc, viết thư pháp, tập Thái cực quyền, cắt tranh giấy….

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao giải Nhất toàn đoàn cho Học viện Cảnh sát nhân dân, 2 giải Nhì toàn đoàn cho đội trường ĐH Thủ đô Hà Nội, trường ĐH Hà Nội và 4 giải Ba toàn đoàn cho các đội trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trường ĐH Ngoại ngữ, trường ĐH Hùng Vương và trường ĐH Ngoại thương.