Festival Huế 2012: Hội tụ nhiều chương trình đặc sắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Festival 2012 hội tụ trong nó rất nhiều chương trình đặc sắc. Ngoài chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc, thì Đêm hoàng cung, Lễ tế giao, Lễ hội Áo dài, Đêm phương Đông... truyền thống còn được nâng tầm nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương với những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.

Nét Huế trong “Chợ quê ngày hội”

 
Trong khuôn khổ các chương trình của Festival, sáng 8/4, tại cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế đã khai mạc chương trình Chợ quê ngày hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân gian của người dân xứ Huế.

Được khai mạc vào ngày đầu tiên của tuần lễ hội Festival, lại đúng vào ngày chủ nhật, lượng khách du lịch đổ về tham quan Chợ quê ngày hội tăng lên đột biến, khiến cho đoạn đường Tỉnh lộ 1 kéo dài từ thành phố Huế về cầu ngói Thanh Toàn bị ùn tắc cục bộ.

Tuy nhiên, du khách đã không thất vọng khi được hòa mình vào không khí lễ hội của làng quê sau khi đặt chân đến cầu ngói thanh toàn. Những hoạt động gắn liền với đời sống của người nông dân miền Trung được tái hiện một cách sinh động như cảnh đi chợ quên trên sông, cảnh hò xay lúa…

Ngoài ra, những trò chơi dân gian cũng được tổ chức để góp phần làm cho không khí lễ hội thâm phần sôi động, như hội thi đua ghe, thi chằm nón, thi bắt vịt trên sông, đánh bài chòi…

Không chỉ tận hưởng cảm giác dân dã của phiên chợ quê, du khách còn có dịp trực tiếp tham gia vào các hoạt động dân gian như đó thi đánh bài chòi, tự tay chằm nón, dã gạo… để trải nghiệm cảm giác lao động của những người nông dân miền Trung, lại vừa được nghe tiếng hò xứa Huế.

Nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm cảm giác đắm chìm trong không gian của lễ hội kết hợp với những nét văn hóa truyền thống. Theo chị Phương, một du khách đến từ TPHCM thì đây là lần đầu tiên chị được trải qua cảm giác lao động ngày mùa, vừa lạ lẫm, vừa thú vị.
 
Festival Huế 2012:  Hội tụ nhiều chương trình đặc sắc - Ảnh 1
 
Cầu ngói Thanh Toàn với 2 bờ sông rộn ràng ngày lễ hội

 

Chương trình Chợ quê ngày hội diễn ra từ ngày 8/4 đến hết ngày 11/4, tại cầu ngói Thanh Toàn, Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, với chương trình lễ hội mỗi ngày mỗi khác nhau, sẽ tiếp tục mang đến cho khách du lịch nhiều trải nghiệm thú vị để khám phá.
 
Trang trọng lễ tế Giao ở Đàn Nam Giao
 
Tối 8/4, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng lễ tế Giao tại Đàn Nam Giao (tế trời, đất), một lễ tế có từ thời nhà Nguyễn nhằm mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh vượng.

Lễ tế bắt đầu vào lúc 20 giờ, từ việc rước bài vị (34 bài vị) từ Trai Cung sang Đàn Nam Giao. Từ đây, bắt đầu diễn ra buổi lễ tế đàn, với hơn 1.000 người trong trang phục nghi lễ cung đình xưa (phục chế) tham gia.

Khác với các kỳ Festival trước, năm nay, lễ tế Giao, ngoài phần nghi lễ tế tại Đàn Nam Giao, các giai đoạn còn lại được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa để phục vụ cho Festival Huế 2012. Tuy lễ hội không có đoàn voi, ngựa cùng vua, quan, binh lính xuất cung và hồi cung như Festival Huế 2010, nhưng lễ tế Giao là một lễ hội chính trong Festival Huế 2012, với đầy đủ các nghi lễ trang trọng nên thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến dự lễ.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngày xưa, nghi lễ ở Đàn Nam Giao được xem là phức tạp nhất. Trình tự của lễ tế với các nghi thức tế lễ như: Lễ quán tẩy, lễ đón các thần, lễ tế ngọc và lụa, lễ tấn trở, lễ hiến tước, lễ truyền chúc, lễ á hiến, lễ ban phúc, lễ triệt hạ đã được diễn ra uy nghiêm, kính cẩn như tấm lòng thành của cả vua quan cùng dân chúng dâng lên trời, đất và các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình; đồng thời còn thể hiện ý tưởng gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên và môi trường sống.
 
Festival Huế 2012:  Hội tụ nhiều chương trình đặc sắc - Ảnh 2
 
Người dân, du khách được phép lên đàn Nam Giao thắp hương cầu nguyện.

Đàn Nam Giao được xây dựng dưới triều Nguyễn vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và con người.
 

Từ khi đàn tế được xây dựng xong, lễ tế trời được cử hành tại đàn Nam Giao vào trung tuần tháng hai hàng năm. Trước triều vua Thành Thái, lễ được tổ chức một năm hoặc hai năm một lần. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), ba năm tế một lần. Trong lễ tế Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc ủy thác cho quan khâm mệnh đại thần làm chủ tế.

Áo dài và nón lá Huế - điểm nhấn của Festival

Áo dài, nón lá Huế từ lâu đã được xem như "đặc sản" ở đất cố đô. Áo dài và chiếc nón bài thơ ở đây dường như đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế. Người Huế còn biết tự làm sang mình bằng những chiếc áo dài vào các dịp lễ hội.

Tại Festival Huế 2012, đông đảo tiểu thương các chợ lớn tại thành phố Huế như Đông Ba, An Cựu…; người phục vụ các nhà hàng, tiệm buôn bán, cán bộ các công sở luôn khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống.

Festival Huế 2012:  Hội tụ nhiều chương trình đặc sắc - Ảnh 3
 
Các cô gái Huế qua cầu Tràng Tiền trong ngày lễ hội.
 

Tham gia chương trình có gần 20 nhà thiết kế đến từ 3 miền như: Sỹ Hoàng, Quỳnh Paris, Minh Hạnh, Quang Tân... với phần trình diễn của 150 người mẫu; trong đó có sự hiện diện của 3 Hoa hậu Việt Nam là Mai Phương Thúy, Thùy Dung và Ngọc Hân.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, những bộ áo dài này sẽ được trình diễn trong vòng 90 phút, hòa quyện trên nền nhạc dân tộc qua các bài hát như "Thương về cố đô", "Tà áo tím" hay "Diễm xưa" và những bản nhạc do nhạc sĩ Bảo Chấn thể hiện trên piano mang đậm chất Huế: trầm lắng, lãng mạn…

Lý do vì sao chọn hoa sen làm chủ đề chính cho trình diễn lần này, nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh: hoa sen đối với người dân Huế nói riêng và cả nước nói chung rất quen thuộc, mang đậm dấu ấn tâm linh và sự thanh khiết của người Việt Nam nên việc thể hiện không hề đơn giản. Tuy nhiên, với nghệ thuật in chuyển tiếp trên vải và những ý tưởng độc đáo, riêng biệt đầy sáng tạo dựa trên cảm xúc của cá nhân, các nhà thiết kế đã thể hiện hình ảnh hoa sen như một bức tranh lãng mạn, phá cách.

Tuy nhiên, lễ hội áo dài năm nay có chủ đề không rộng như các kỳ festival trước đây, gói gọn trong hình tượng hoa sen. Đó cùng là việc khó nên đòi hỏi các nhà thiết kế phải bộc lộ những ý tưởng độc đáo, cảm xúc khác nhau, nhưng hy vọng mang đến sự phong phú và mới lạ, hấp dẫn cho chương trình và những người thưởng lãm.

Nói về chiếc áo dài, Giáo sư Trần Văn Khê đã từng gói gọn: "Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời/ Thân sau vạt trước nên lời nước non."

Vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của chiếc áo dài Việt Nam là "một ngôn ngữ không cần phiên dịch", những đường nét kín đáo mà gợi cảm, những tà áo thêu bao đường chỉ thăng trầm của thời gian đã nói lên tất cả - nhà thiết kế Minh Hạnh cũng từng chia sẻ như thế.

Thành phố Huế qua 7 kỳ Festival, cũng ngần ấy lần chiếc áo dài thăng hoa cùng lễ hội. Lần đầu tiên, việc trình diễn áo dài tại Festival Huế vào năm 2002 trên cầu Tràng Tiền, tiếp theo là các vị trí cửa Hiển Nhơn, dưới chân Cột Cờ, hoặc tại Đại Nội - Huế... Gần đây nhất, trong lễ hội áo dài tại Festival Huế 2010, có sự góp mặt của 17 nhà thiết kế, kể cả hai nhà thiết kế hàng đầu: Sỹ Hoàng cùng bộ sưu tập "Chị và em", Minh Hạnh với bộ sưu tập "Mẹ và con" còn in đậm mãi trong ký ức mỗi người.

Không những thế, các nhà thiết kế áo dài chẳng những tạo những mẫu áo phù hợp với người phụ nữ Việt Nam mà còn nghĩ tới những người phụ nữ trên thế giới, đặc biệt là các phụ nữ Tây Âu, nên các kiểu áo dài này cũng được thiết kế sao cho phù hợp với vóc người phương Tây để khi diện chiếc áo dài Việt Nam lên người, họ có thể cảm thấy mình trở nên dịu dàng, đằm thắm - đó cùng là mong muốn chiếc áo dài Việt Nam khẳng định mình trên thế giới. Vấn đền này trùng khớp với đánh giá của ông Tổng Giám đốc tập đoàn Big C (người Pháp) mới đây tại Huế: "Áo dài Việt Nam vốn rất đẹp trong con mắt người nước ngoài bởi sự duyên dáng, tinh tế. Chiếc áo dài Việt Nam ngày càng có cái biến tấu và hiện đại hóa, phù hợp với dân tộc Việt Nam và có hướng mở ra thế giới."

Vì thế, lễ hội áo dài tại Festival Huế 2012 được tình diễn tại sân khấu bia Quốc Học, bên dòng sông Hương thơ mộng, dù chưa diễn ra nhưng sân khấu hơn 3.000 chỗ ngồi hiện đã “cháy” vé.