Fitch xếp hạng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Fitch Ratings cho biết, xếp hạng trái phiếu bằng nội tệ và ngoại tệ không bảo đảm của Việt Nam cũng được giữ ở BB-. Bên cạnh đó, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia tiếp tục được hãng này duy trì ở mức BB-, trong khi nợ ngắn hạn phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ được xếp hạng B.
 

Fitch cũng nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam đang xây dựng chính sách tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô.

"Chủ trương này bao gồm tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, tăng cường tập trung vào ổn định lạm phát đã góp phần giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI mạnh và giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao", theo Fitch.

Fitch nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi ngành sản xuất hướng ra xuất khẩu và sự tăng trưởng đều đặn của lĩnh vực dịch vụ, bất chấp những khó khăn mà ngành khai thác mỏ và dầu khí đang gặp phải.

Báo cáo của Fitch cũng nhấn mạnh việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt mức 37 tỷ USD vào cuối năm 2016, từ mức 28,6 tỷ USD vào cuối năm 2015. Sự cải thiện này có được một phần nhờ cơ chế tỷ giá mới áp dụng từ đầu năm 2016 nhằm tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá, cùng thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao, và dòng vốn FDI.

Bên cạnh những mặt tích cực, Fitch cũng cảnh báo mức nợ công gia tăng của Việt Nam, từ mức 50,1% GDP vào cuối năm 2015 lên mức 53,4% GDP vào cuối năm 2016. Nếu tính cả những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, thì mức nợ công đã lên tới 63,7% vào cuối năm 2016, rất sát trần 65%.

Tuy nhiên, Fitch nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định cam kết giữ nợ công dưới trần thông qua các biện pháp tài khóa và hạn chế cấp bảo lãnh nợ. Fitch dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ tránh được việc phá trần nợ bằng cách thực thi các biện pháp này.

Ngoài ra, Fitch cho rằng số tiền thu về từ chương trình cổ phần hóa DN Nhà nước từ 2016 - 2020 có thể sẽ giúp trả bớt nợ công. Fitch ước tính thâm hụt tài khóa của Việt Nam đã giảm xuống mức 5,7% GDP vào cuối năm 2016, từ mức 6,2% vào cuối năm 2015, đồng thời dự báo mức thâm hụt giữ ở ngưỡng khoảng 5,7% GDP trong năm 2017 - 2018 nếu không có sự thay đổi lớn về thu ngân sách.

Tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực thế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên mức 6,3% trong năm nay và 6,4% trong năm 2018, nhờ dòng vốn FDI vào khu vực sản xuất và tiêu dùng tư nhân mạnh.