FPT hoàn tất bán 30% cổ phần của FPT Retail

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bán 30% cổ phần cho Dragon Capital và VinaCapital, sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%.

Tập đoàn FPT (mã CK: FPT) vừa thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu (30% vốn) tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital. Sau thương vụ này, sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%.
 
Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Retail đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về doanh thu/m2 diện tích sàn đạt 15.717 USD/m2. Dragon Capital và VinaCapital là những nhà đầu tư tài chính nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 01.08-2017/NQ-HĐQT FPT, HĐQT FPT đã thông qua phương án thoái vốn tại FPT Retail xuống dưới 50%. Cụ thể, FPT sẽ bán 30% vốn tại FPT Retail (giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% hiện tại xuống 55%) cho các tổ chức đầu tư tài chính.
Tiếp đó, FPT sẽ bán tối đa 10% (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%) cho nhà đầu tư khác thông qua các công ty chứng khoán.
FPT dự kiến hoàn thành phương án thoái vốn trong năm 2017. FPT Retail sẽ trình ĐHCĐ phương án niêm yết cổ phiếu FPT Retail trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của FPT Retail đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) về doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT Retail giai đoạn 2016-2019 được kỳ vọng đạt tương ứng trên 25% và 35%.
Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và lợi nhuận trên 40% thông qua đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ tới những vùng miền mà sản phẩm điện thoại thông minh ít hiện diện.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, công ty đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc.