G20 nỗ lực “bằng mọi giá” ngăn chặn đại dịch Covid-19

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bản dự thảo thông báo chung, các quốc gia G20 quyết tâm tiếp tục làm mọi việc có thể để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Hôm nay (21/11), hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20)  khai mạc theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của lãnh đạo Ả Rập Saudi.
Các nhà lãnh đạo G20 đặt quyết tâm sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19. 
Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài từ ngày 21 - 22/11, các nhà lãnh đạo G20 đang quyết tâm sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19. Ngoài ra, lãnh đạo các nước sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.
Trong bản dự thảo thông báo chung, lãnh đạo các nước G20 cũng cảnh báo, sự phục hồi kinh tế toàn cầu hiện vẫn “không đồng đều, không chắc chắn cao và có nhiều rủi ro”.
Lãnh đạo các quốc gia G20 lưu ý rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với một số nước nghèo nhất đang phải tạm hoãn kế thanh toán nợ chính thức dự kiến ​​kết thúc vào tháng 6/2021.
Dự thảo cũng kêu gọi các chủ nợ khu vực tư nhân G20 tham gia vào nỗ lực xóa nợ cho các nước nghèo đang đối mặt cuộc khủng hoảng nợ khác vì dịch Covid-19.
Phát biểu với các quan chức tài chính G20 hôm 20/11, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết một số quốc gia có thể cần những thay đổi về luật pháp để thúc đẩy các chủ nợ khu vực tư nhân tham gia chương trình xóa nợ cho các nước nghèo đối phó Covid-19.
“Với diễn biến nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, chúng ta phải tiến tới các quy trình xóa nợ ngay từ bây giờ” - Chủ tịch Malpass cho hay.
Trước đó, ngày 14/10, các quan chức tài chính và ngân hàng G20 đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021.
Việc hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan từ tháng 3 đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Giữa tháng 4 vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về DSSI cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì "không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ," theo đó chỉ 43 quốc gia trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 tỷ đến 11 tỷ USD.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ song phương chính thức của các nước nghèo nhất đang nợ các quốc gia thành viên G20  lên tới 178 tỷ USD trong năm 2019, trong số đó 63% là của Trung Quốc.
Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia thành viên G20 khác đã đề nghị xóa nợ cho các nước nghèo nhất thế giới, phần lớn là các nước ở châu Phi, cho đến ít nhất là giữa năm 2021 và sẽ quyết định xem có cần kéo dài hạn thêm 6 tháng nữa tới tháng 4/2021 hay không./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần