G7 đang dẫn thế giới đến khủng hoảng tài chính mới

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Pháp cảnh báo, chính sách của Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đang dẫn thế giới đến một cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu mới.

Theo đó, trong khoảng từ năm 2006 - 2016, con số từ nợ công, nợ DN, nợ gia đình đã tăng từ mức 234% lên mức 275% GDP. Chỉ tính riêng nợ của các gia đình tại những quốc gia giàu đã tăng từ 52% trong năm 2008 lên mức 63% vào năm 2016.
Đây là mức mà theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho là nhiều khả năng bùng phát khủng hoảng rất cao. IMF và Cơ quan Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) cảnh báo nếu các nước G7 không xét lại triệt để chính sách kinh tế, một cuộc khủng hoảng lớn rất có thể sẽ bùng phát. 
 Lãnh đạo các nước thuộc nhóm G7.
Giới phân tích nhận định, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng trên là do giá cổ phiếu, bất động sản, tỷ số nợ trên tổng tài sản của DN… leo thang không ngừng. Các chuyên gia đã chỉ ra, đằng sau đó là do các ngân hàng T.Ư và lãnh đạo của các quốc gia khối G7 đã rót hàng núi tiền mặt vào hệ thống tài chính toàn cầu, chủ yếu thông qua việc bán công trái. Theo đó, chính sách này của lãnh đạo khối G7 bị lên án là “vô trách nhiệm, kể cả trong lĩnh vực tiền tệ, kinh tế vĩ mô, cũng như về khí hậu hay quốc phòng”.
Bên cạnh đó, tình trạng trên một phần cũng do các nhà lãnh đạo không tiến hành các cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu. Nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới. Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (năm 2008 đến 2016, nợ công Pháp tăng từ 68 % lên 96% GDP; Đức 65% - 68%). Về phía các DN, lãi suất tiền vay quá thấp, khiến nhiều DN buộc phải vay tiền để mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư cho sản xuất. IMF cùng các nhà kinh tế cảnh báo các công ty đã tăng cường vay mượn khi lãi suất cho vay siêu thấp hiện đang đối mặt với khả năng lãi suất tăng.
Lãi suất siêu thấp cho phép các DN với lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận tiếp tục hoạt động cầm chừng với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, khi lãi suất bị thắt chặt như tình hình đang diễn ra tại Mỹ và có thể là ở khu vực đồng Euro trong vài năm tới, chi phí trả lãi vay có thể nhanh chóng vượt lợi nhuận, buộc những DN này chỉ còn hai con đường để lực chọn, đó là việc tái cơ cấu hoặc đóng cửa. Như vậy, một làn sóng phá sản và vỡ nợ DN có thể nhanh chóng tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng nhiều khả năng sẽ xảy ra khi lạm phát trở lại, và việc này buộc ngân hàng T.Ư tại các nền kinh tế lớn phải tăng lãi suất trở lại, với hệ quả là các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn về tài chính. 

Chuyên gia kinh tế dự báo, cuộc khủng hoảng mới sẽ dẫn đến việc xem xét lại mô hình tăng trưởng của khối G7, cho đến nay chủ yếu dựa trên nợ nần chồng chất, năng lượng hóa thạch và chạy đua vũ trang.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần