Ga ngầm C9: Điểm nhấn quan trọng của đường sắt đô thị

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số chuyên gia cho rằng, ga ngầm C9 trên tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có ý nghĩa còn hơn cả một ga tàu điện bình thường.

Bởi, ga C9 là điểm trung chuyển quan trọng, kết nối cả 3 tuyến ĐSĐT số 1, 2 và 3.
Kết nối 3 tuyến đường sắt đô thị

Đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, tuyến ĐSĐT số 2 đã được tính toán để kết nối tốt với các tuyến ĐSĐT số 1 và 3. Cụ thể, ga C8 của tuyến ĐSĐT số 2, tại phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến ĐSĐT số 1 Ngọc Hồi - Như Quỳnh. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Hoàng Mai. Vì vậy, ga C9 ở giữa có tính chất kết nối cả 3 tuyến ĐSĐT nêu trên. Chình vì vậy nên ga C9 buộc phải khống chế vị trí trên đường Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 đến 2 ga còn lại không quá 1km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến ĐSĐT.
 Hệ thống đường sắt đô thị trong cấu trúc đô thị tương lai.
Chuyên gia Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái cho rằng, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân chưa ưa chuộng vận tải công cộng mà nguyên nhân rất lớn là việc tiếp cận còn khó khăn. Người dân phải đi bộ quá xa để đến các điểm dừng chờ của phương tiện vận tải công cộng hoặc đi bằng xe máy, ô tô đến lại không có chỗ gửi. “Vì vậy, muốn thu hút người dân đến với vận tải công cộng, trong đó có ĐSĐT thì phải tối ưu khả năng tiếp cận cho họ; khoảng cách giữa các nhà ga không được quá xa” - ông Thái khẳng định.

Nhiều chuyên gia dẫn chứng, hiện ở một số nước phát triển, nhà ga trung tâm của các tuyến ĐSĐT thường được chọn đặt ở khu vực có nhiều điểm tham quan, khu thương mại sầm uất để phục vụ du lịch và phát triển kinh tế. Ga ngầm C9 không chỉ có tác dụng đối với tuyến ĐSĐT số 2 mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả mạng lưới ĐSĐT vận hành qua khu vực trung tâm TP; qua đó góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Thận trọng từng bước

Chia sẻ về quá trình khảo sát, lựa chọn vị trí và xây dựng quy hoạch tổng mặt bằng ga C9, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết: “Chúng tôi đã làm rất thận trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết”. Hai lần điều chỉnh Quy hoạch GTVT Thủ đô (tại Quyết định số 90/2008/QĐ - TTg năm 2008 và Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2016) và cả trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1259/QĐ - TTg năm 2011) đều đặt ra yêu cầu phải xây dựng tuyến ĐSĐT số 2. Đây được xác định là một trong những tuyến chính của mạng lưới ĐSĐT Hà Nội, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, giảm ùn tắc, cải thiện tình hình giao thông, góp phần bảo vệ môi trường…

Quy hoạch Tổng mặt bằng Tuyến cho phần đi ngầm (từ Km2+450 đến Km11+133,77) tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 28/3/2013. Vị trí ga C9 tại phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 1422//UBND-QHXDGT ngày 22/02/2013. Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho hạng mục ga C9. “UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất sát sao chủ đầu tư trong suốt quá trình chuẩn bị và lập quy hoạch. Đặc biệt, TP đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học” - ông Hiếu cho hay.

Liên quan đến vị trí và tổng mặt bằng ga C9, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cũng rất đồng tình và cho rằng: “Ga C9 đã đạt hiệu quả về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Hơn nữa khu vực trụ sở của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hiện nay, trong tương lai cũng cần phải chuyển đổi để phục vụ hoạt động cộng đồng, cải thiện cảnh quan khu vực nên lựa chọn vị trí hiện nay là phù hợp”.