Gamuda Land “bén duyên” bất động sản Việt Nam

Tuấn Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây gần 10 năm một tập đoàn danh tiếng của Malaysia đã "say" bất động sản Việt Nam. Với những công trình nổi tiếng như Gamuda City, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và công viên Yên Sở… Gamuda Land đã ghi dấu thương hiệu trong tiến trình phát triển của địa ốc Việt Nam.

Ông Chow Chee Fan, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam
Một Malaysia xanh “thu nhỏ” mang hơi thở Việt Nam, vì thế trở thành lực hút khó cưỡng với đông đảo khách hàng. Để tìm hiểu sâu hơn về hành trình kiến tạo xanh của Gamuda Land , báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Chow Chee Fan, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam.
Duyên cớ nào đưa Tập đoàn Gamuda đầu tư sang Việt Nam, thưa ông?

- Gamuda Land lần đầu tiên vươn ra thị Việt Nam vào năm 2007 khi thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà phát triển. Gamuda Land đã thiết kế và xây dựng nhà máy nước thải Yên Sở, nhà máy xử lí nước thải lớn nhất Việt Nam với khả năng làm sạch một nửa số lượng nước thải tại Hà Nội; cải tạo và làm sạch hồ Yên Sở; và xây dựng công viên xanh lớn nhất Hà Nội, Công viên Yên Sở; để đổi lấy đất xây dựng quần thể đô thị tại khu vực này.

Đó là quá trình hình thành của Gamuda City, quần thể đô thị đầu tiên của Gamuda Land tại thị trường nước ngoài. Cách trung tâm TP Hà Nội chỉ 6km, Gamuda City bao gồm 4 phân khu chính là Gamuda Gardens, Gamuda City Central, Gamuda Lakes và Công viên Yên Sở.

Là một nhà đầu tư có mặt tại thị trường Việt Nam từ khá lâu, ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt giữa thị trường BĐS Việt Nam và Malaysia cũng như so với những thị trường mà Gamuda đã đầu tư?

- Một trong những điểm khác biệt giữa thị trường bất động sản Malaysia và Việt Nam là giai đoạn phát triển. Tại Malaysia, giai đoạn phát triển nhất của thị trường diễn ra rất sớm, vào những năm cuối 80 và những năm đầu 90. Trong khi thị trường bất động sản Việt Nam mới bắt đầu phát triển vào năm 2007. Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã gần chạm đỉnh điểm trong khi thị trường Malaysia đang ở giai đoạn trưởng thành.

Tâm lí khách hàng – nhà đầu tư và sở thích của khách hàng tại thị trường Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Chúng tôi luôn luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào những dự án mới sở hữu quy hoạch hợp lí, tọa lạc tại vị trí thuận tiện với cơ sở hạ tầng phát triển và đem lại nhiều giá trị. Thật vậy, với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến tạo đô thị và căn hộ cao tầng tại Malaysia, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định với dự án Gamuda City và Celadon City tại Việt Nam.

Khu đô thị Gamuda Gardens – “Malaysia thu nhỏ giữa lòng Hà Nội”.

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam và Malaysia khuyến khích người dân di chuyển về các TP lớn, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản tại các TP lớn phát triển. Một ví dụ điển hình cho điều này là sự ra đời của dự án Kota Kemuning tại Malaysia – dự án đầu tiên của Gamuda Land, cách trung tâm TP Kuala Lumpur 25 km. Kota Kemuning từng chỉ là một khu đô thị ngoại ô trong mắt nhiều người, nhưng hiện nay đã trở thành một dự án phát triển mạnh với mức tăng lợi nhuận mạnh mẽ, lên tới 47% hàng năm. Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn đầu tư vào dự án Gamuda City tại phía Nam Hà Nội, vì chúng tôi đã nhìn thấy nhiều tiềm năng tại khu vực này.

Thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua xảy ra khá nhiều tranh chấp giữa cư dân, chủ đầu tư liên quan đến nhiều vấn đề như diện tích, hạ tầng tiện ích, quản lý dịch vụ trong tòa nhà. Với kinh nghiệm của mình, theo ông, những tranh chấp này ở thị trường khác thường được giải quyết ra sao?

- Mỗi trường hợp riêng biệt có nhiều cách giải quyết khác nhau. Đội ngũ quản lí khu đô thị của chúng tôi đều là những người có khả năng và vô cùng tận tâm; do đó, nếu có bấy kì vấn đề gì xảy ra, chúng tôi tin tưởng họ có thể giải quyết vấn đề thỏa đáng và nhanh chóng nhất. Tại Malaysia cũng như Việt Nam, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ luật lệ và ràng buộc về pháp lí, cũng như các điều khoản được quy định trong hợp đồng mua bán/cho thuê khi có bất cứ tranh chấp nào giữa cư dân và chủ đầu tư.

Khó khăn lớn nhất của Gamuda trong những năm đầu tư tại Việt Nam là gì? Sau nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Gamuda rút ra kinh nghiệm gì cho mình?

- Lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam năm 2007, phát triển khu đô thị còn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, cũng như các dự án thời bấy giờ cũng thường được xây dựng trên quy mô nhỏ. Hệ thống luật áp dụng với những dự án quy mô lớn như Gamuda City lúc đó còn sơ khai nên quá trình thực hiện dự án diễn ra chậm vì chúng tôi cần hợp tác với chính phủ để cải thiện các chính sách liên quan. Hiện nay, thị trường đang trong trạng thái ổn định với nhiều chính sách tiền tệ đúng đắn áp dụng bởi chính phủ Việt Nam.

Không gian sống xanh, văn minh trong Khu đô thị Gamuda Gardens.

Bắt đầu từ năm 2009, chúng tôi phải đối mặt với những khủng hoảng của thị trường. Chính phủ chống lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ. Quyết định này đã gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Qua việc này, chúng tôi đã nghiệm ra rằng những dự án quần thể với quy hoạch hợp lí như Gamuda City có thể vượt qua những biến động của thị trường vì khách hàng có thể nhìn thấy giá trị lâu dài trong các sản phẩm chúng tôi cung cấp. Với sự kiên định, chúng tôi đã tạo dựng được một thương hiệu vững chắc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi khách hàng có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng công trình cũng như không gian sống lành mạnh, cùng cơ sở hạ tầng và giao thông vượt trội.

Đâu là cơ hội của Gamuda Land tại thị trường Việt Nam và mục tiêu của Công ty tại Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn?

- Cuối năm 2014, trợ giúp bởi chính sách quản lý của Chính phủ từ năm 2012, thị trường đã có những nét khởi sắc. Tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh của dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều việc làm, cũng như sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu là những dấu hiệu quan trọng thể hiện cơ hội đầu tư lớn tại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tăng 6,69% năm 2015, nhanh nhất kể từ năm 2007 trước khi giảm xuống 6,21% năm ngoái. GDP tăng trưởng 5,1% quý I/2017; đây là giai đoạn đầu tiên tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm, nhưng Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 6,7% trong năm nay, theo báo cáo.

Tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng dân số tạo cơ hội cho chúng tôi đầu tư vào khu vực chưa từng được các chủ đầu tư khác khám phá trước đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thể sẽ đầu tư vào những dự án “đắp chiếu” còn bỏ ngỏ của các chủ đầu tư trước đây để lại, với sự hỗ trợ và phê duyệt từ phía Chính phủ.

Mục tiêu của chúng tôi tại Việt Nam là sự hiện diện lâu dài, tiếp tục những dự án đầu tư và phát triển cùng cộng đồng tại đây. Trong tương lai gần, chúng tôi muốn là một trong 3 chủ đầu tư tiêu biểu nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi muốn được biết đến là nhà đầu tư và kiến tạo đô thị xanh danh tiếng, tạo nên những tổ ấm thực sự, nơi mọi người đều cảm thấy khao khát được đưa gia đình mình tới sinh sống, nơi con cháu lớn lên và ông bà an hưởng tuổi già.

Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng nhằm phát triển Việt Nam ngày một vững mạnh. Tập đoàn Gamuda không chỉ muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng của chúng tôi, mà còn là cộng đồng xung quanh.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần